Khai mạc Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc lần thứ II
(Dân trí) - Tối qua (18/11), tại Quảng trường 26/3 TP. Hà Giang đã diễn ra lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc lần thứ II.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc là ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của của dân tộc Mông, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: “Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong thời ký công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước”.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự chăm lo của các cấp ngành đến đời sống tình thần của đồng bào Mông. Đây cũng là dịp để để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào Mông nói riêng bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu với Đảng, với Bác Hồ, ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh biên giới.
Tiếp ngay sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật chào mừng “Hà Giang… nơi gọi mời từ vũ điệu cao nguyên đá”. Hòa trong chương trình nghệ thuật là tiếng Khèn làm cho người nghe rung cảm, phút chốc phiêu diêu như hòa cùng dòng chảy văn hóa của người Mông mãnh liệt bao đời… Bắt đầu chương trình nghệ thuật là những vũ điệu trên đỉnh núi; các trường đoạn “Vũ khúc khèn Mông”, “Hương rừng mây phủ”, “Hội và Lễ hội Gầu Tào”, “Hà Giang nơi điểm hẹn”… hòa cùng những hoạt cảnh sân khấu, các ca khúc về dân tộc Mông, về Hà Giang, những điệu dân vũ, khúc dân ca của dân tộc Mông.
Là một tỉnh cực Bắc của tổ quốc, Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc trong đó dân tộc Mông chiếm 32,57%. Người Mông - Hà Giang hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống độc đáo và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà khoa học, các khách trong và ngoài nước.
Một số hình ảnh trong lễ khai mạc:
Hà Tùng Long
Ảnh: Đinh Phúc