1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Thái Bình

Khai mạc lễ hội thu chùa Keo năm 2018

(Dân trí) - Hàng năm, chùa Keo tổ chức hai kỳ lễ hội gồm hội xuân và hội thu. Du khách hành hương đến chùa Keo ngoài việc lễ phật, lễ thánh để cầu xin tài, lộc còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo với tuổi đời gần 400 năm.

Sáng ngày 18/10, tại Khu di tích lịch sử Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, UBND huyện Vũ Thư đã tổ chức khai mạc lễ hội thu chùa Keo năm 2018 với sự tham dự của đông đảo người dân địa phương, tín đồ phật tử và du khách thập phương.

Khai mạc lễ hội thu chùa Keo năm 2018
Khai mạc lễ hội thu chùa Keo năm 2018

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, gồm hai cụm kiến trúc: Chùa thờ Phật và Đền thờ Thánh Dương Không Lộ.

Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, Phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), gia đình vốn làm nghề chài lưới. Ông đi tu từ năm 29 tuổi. Năm 1060, ông sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tức Chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam.

Thiền sư Dương Không Lộ đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Năm 1632, chùa Keo được trùng tu, tái tạo lại trên diện tích 108.000 m2 đất.

Quần thể di tích chùa Keo Thái Bình
Quần thể di tích chùa Keo Thái Bình

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, Chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Hiện nay, Chùa Keo có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá…

Năm 2012, chùa Keo đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ và những người có công xây dựng, hàng năm, chùa Keo tổ chức hai kỳ lễ hội: Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch và hội thu từ ngày 10 đến ngày 15/9 âm lịch.

Hội thu là hội chính của chùa. Hội nhằm tưởng nhớ và suy tôn Ðức Thiền sư Không Lộ - là người giỏi Phật pháp và pháp thuật, đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý và được phong làm quốc sư.

Hát giao duyên trong lễ hội thu chùa Keo
Hát giao duyên trong lễ hội thu chùa Keo

Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, người dân và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động được tổ chức theo nghi thức truyền thống như lễ khai chỉ, tế lễ Phật, Thánh và các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian như thi kéo co, thi têm trầu cánh phượng, leo cầu ngô, bịt mắt đánh trống, bắt vịt, chọi gà và hát giao duyên...

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, ngày 23/1/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 217 ghi danh lễ hội Chùa Keo (Thái Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội thu chùa Keo 2018 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 23/10 (10 - 15/9) âm lịch.

Đức Văn