Khai mạc giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ 14

(Dân trí) - Tối 15/8, tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), hàng ngàn du khách trong và ngoài nước cùng tham gia chương trình giao lưu văn hóa Việt – Nhật lần thứ 14. Đây là một trong những chương trình lễ hội thường niên của Hội An được đông đảo người dân cùng du khách tham gia hào hứng, sôi nổi.

Sự kiện này như là biểu tượng cao đẹp của mối quan hệ giao thương, giao lưu văn hóa hàng trăm năm trước được nhân dân 2 nước Việt Nam - Nhật Bản giữ gìn, phát huy đến ngày hôm nay.

Đến hẹn lại lên, lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật được tổ chức để tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai đất nước
Đến hẹn lại lên, lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật được tổ chức để tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai đất nước

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch TP Hội An - cho hay, những hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn, những di sản tinh thần và vật chất trong văn hóa Nhật Bản và Hội An (Việt Nam) được giới thiệu, trình diễn, biểu diễn, trưng bày… tại đô thị cổ Hội An chắc chắn sẽ mang đến cho công chúng Việt Nam và du khách quốc tế những trải nghiệm khó quên.

Bài hát “Đêm hội trăng tròn” được các nghệ sĩ Hội An thể hiện
Bài hát “Đêm hội trăng tròn” được các nghệ sĩ Hội An thể hiện

“Là một thành phố du lịch, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế, những năm qua chính quyền và nhân dân Hội An luôn nỗ lực để xây dựng một thành phố thân thiện, an toàn và trong lành cho cộng đồng nhân dân và du khách”, Chủ tịch TP Hội An phát biểu.

Điệu múa “Việt Nam quê hương tôi”
Điệu múa “Việt Nam quê hương tôi”

Ông Fukada Hiroshig – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam – cho rằng, TP Hội An là một biểu tượng cho mối quan hệ giao lưu lâu đời giữa Nhật Bản và Việt Nam. Cách đây hơn 400 năm, những thương nhân Nhật Bản tới Hội An vì mục đích giao thương đã xây dựng tại đây những “khu phố người Nhật”.

Đường phố Hội An rực rỡ ánh đèn với đông đảo du khách tham quan

“Tôi thật sự cảm thấy tự hào khi thấy lễ hội Hội An - Nhật Bản khởi đầu trên nền tảng của mối ân tình giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam suốt hơn 400 năm qua đã bước sang năm thứ 14 và trở thành một sự kiện lớn thu hút được nhiều người tham gia”, Đại sứ Fukada Hiroshig phát biểu.

Tiết mục “Múa rồng” do đoàn nghệ thuật tỉnh Nagasaki thể hiện
Tiết mục “Múa rồng” do đoàn nghệ thuật tỉnh Nagasaki thể hiện

Sau bài phát biểu ngắn gọn của lãnh đạo địa phương và Đại sứ Nhật Bản là phần lễ hội với những tiết mục nghệ thuật thể hiện màu sắc văn hóa của hai nước.

Các nghệ sĩ của hai nước cùng thể hiện các ca khúc về quê hương của hai nước
Các nghệ sĩ của hai nước cùng thể hiện các ca khúc về quê hương của hai nước

Các nghệ sỹ của Trung tâm Văn hóa Hội An và Nhật Bản cùng hòa trong lời ca “Vang mãi bài ca hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”. Tiếp đến là các tiết mục nhảy múa cổ truyền và đương đại Nhật Bản “Okiraku Rai Rai” do nhóm nhảy Yasokoi Đà Nẵng thể hiện.

Rất đông du khách và người dân tham gia đêm giao lưu văn hóa Việt – Nhật
Rất đông du khách và người dân tham gia đêm giao lưu văn hóa Việt – Nhật

Đô thị cổ Hội An xinh đẹp và thơ mộng càng lung linh huyền ảo trong tiết mục múa song ca “Đêm hội trăng tròn” do đoàn nghệ thuật Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An thể hiện. Tiết mục “Múa rồng” do đoàn nghệ thuật tỉnh Nagasaki thể hiện…

Du khách tham quan phố cổ với những trang trí bắt mắt trong đêm lễ hội giao lưu
Du khách tham quan phố cổ với những trang trí bắt mắt trong đêm lễ hội giao lưu

Trong những ngày diễn ra lễ hội còn diễn ra các hoạt động giao lưu, giải trí mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị về văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản như: trưng bày các sản phẩm thời trang và hàng thủ công mỹ nghệ, chụp ảnh lưu niệm với áo Yukata và Kimono, dạy viết Thư pháp Nhật Bản, các hoạt động trải nghiệm làm lồng đèn, gấp giấy Origami, gấp lá dừa… và các trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam - Nhật Bản.

Bài hát của hai nước Việt - Nhật

Trong đêm khai mạc giao lưu văn hóa Việt Nam- Nhật Bản, chính quyền thành phố Hội An kêu gọi cộng đồng và du khách hưởng ứng “Ngày không ăn thịt vì môi trường và sức khỏe”.

Gian hàng thủ công phục vụ du khách
Gian hàng thủ công phục vụ du khách

Bên cạnh đó, TP Hội An còn tổ chức “Hội hoa đăng - Báo hiếu, Hội An 2016”. Sự kiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi mục đích nhắc nhở cho mọi người về công đức sinh thành, dưỡng dục của các bậc phụ mẫu.

Đường phố được trang trí đẹp mắt
Đường phố được trang trí đẹp mắt

Phố cổ Hội An rực sáng ánh đèn bên sông Hoài trong đêm giao lưu
Phố cổ Hội An rực sáng ánh đèn bên sông Hoài trong đêm giao lưu

Lễ hội “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” và “Hội hoa đăng - báo hiếu, Hội An 2016” là hai sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, tinh thần đối với người dân Hội An và du khách đến đây.

Tiết mục “Múa rồng” do đoàn nghệ thuật tỉnh Nagasaki thể hiện

Với mục tiêu vun đắp tình hữu nghị ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc và tuyên truyền giáo dục “truyền thống đạo hiếu” đến với người dân, chính các hoạt động này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Hội An sâu sắc hơn trong lòng du khách.

Công Bính