Khả năng giải phẫu đã làm nên sự kỳ tài của Leonardo Da Vinci
(Dân trí) - Da Vinci không chỉ là một họa sĩ tài năng, ông còn là một nhà nghiên cứu giải phẫu học rất tài giỏi. Chính vì nắm vững cơ chế vận động của cơ thể người mà các nhân vật xuất hiện trong tranh ông luôn có được vẻ đẹp tự nhiên, chân thực.
Từ lâu đã được biết tới là một họa sĩ tài năng của thời kỳ mỹ thuật Phục hưng, Da Vinci mới đây còn được biết tới là một nhà nghiên cứu giải phẫu học có tầm nhìn vượt thời đại.
Đương thời, có rất ít tài liệu giải phẫu học được thực hiện tỉ mỉ và chính xác như những gì mà Da Vinci đã từng làm.
Bức “Quý bà và con chồn”
Những nghiên cứu của Da Vinci về cơ thể người có thể sánh ngang về độ chính xác với những hình ảnh được tạo ra bằng công nghệ cao của ngày hôm nay. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm túc trong công tác nghiên cứu của ông. Da Vinci không chỉ là một nghệ sĩ, ông còn là một nhà khoa học lao động hết mình.
Những bức vẽ giải phẫu cơ thể người của Leonardo da Vinci gần như giống hệt với những gì mà khoa học ngày nay biết tới về cấu tạo cơ thể người.
30 trang vẽ rất cẩn thận của vị họa sĩ nổi tiếng hiện đang được lưu giữ trong bộ sưu tập của Hoàng gia Anh và sẽ được đem ra trưng bày tại Liên hoan Quốc tế Edinburgh vào tháng 8 này.
Da Vinci ban đầu nghiên cứu giải phẫu học với mục đích giúp bản thân thực hiện được những bức vẽ chính xác tuyệt đối khi khắc họa cơ thể người. Đến khi bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu này, Da Vinci đã bị cuốn hút mạnh mẽ và có tham vọng viết hẳn một chuyên luận có hình minh họa chi tiết về giải phẫu cơ thể người.
Bức “Thần rượu Bacchus”
Trong quá trình nghiên cứu, Da Vinci đã khảo sát tỉ mỉ hơn 30 thi hài trong bệnh viện và các trường y để thực hiện hàng trăm trang khảo cứu với những bản phác họa chi tiết.
Nhiều bức vẽ được thực hiện vào mùa đông năm 1510-1511, khi đó ông đã liên tục làm việc với khoảng 20 thi hài ở khoa y trường Đại học Pavia.
Bức vẽ chi tiết của Da Vinci bao gồm cả cấu trúc xương, hệ cơ và dây chằng trên bàn tay người. Những bức hình này đã được thực hiện kỳ công với cấu trúc nhiều tầng lớp và được khắc họa 4 chiều.
Trong 18 trang giấy mà ngày nay được biết tới với cái tên “Bản thảo giải phẫu học của Leonardo”, vị danh họa đã vẽ 240 hình minh họa với những chú thích chi tiết được thực hiện theo đúng đặc trưng của Leonardo Da Vinci - viết từ phải qua trái, muốn đọc được phải chiếu vào gương.
Những nghiên cứu này trước đây chưa từng được công bố cho công chúng. Lần này, toàn bộ các bức vẽ của Leonardo Da Vinci sẽ được đem triển lãm. Hầu như ông đã thực hiện việc minh họa đối với tất cả các hệ xương và cơ trong cơ thể người.
Bức “Nàng Mona Lisa”
So sánh với những kiến thức của các nhà giải phẫu học hiện đại, có thể thấy dù Da Vinci có kiến thức hạn chế về y khoa và có rất ít kỹ thuật hỗ trợ cho việc thực hiện những bức hình minh họa cầu kỳ phức tạp nhưng ông vẫn thực hiện được tất cả khối công việc với sự chính xác cao nhất.
Những bức vẽ của danh họa đương thời rất có thể đã giúp nâng cao nhận thức của giới y khoa tại Châu Âu về ngành giải phẫu.
Bức “Những hài nhi thần thánh”
Cho tới khi ông qua đời vào năm 1519, những bản thảo này vẫn là những tài liệu khảo cứu mang tính chất cá nhân và không được biết tới rộng rãi cho tới vài trăm năm sau.
Nhiều nhà khoa học ngày nay cho rằng nếu công trình mà Da Vinci thực hiện khi đó được đem ra xuất bản, đó sẽ là nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn nhất về cơ thể người trong lịch sử ngành y.
Bức vẽ khắc họa các bó cơ ở vai, cánh tay và cổ.
Bó cơ ở vai và cánh tay cùng xương bàn chân.
Những bức phác thảo này đã cho thấy trước những kiến thức về giải phẫu học mà cho tới thế kỷ 21 mới được phổ cập rộng rãi trong các sinh viên trường y. Thực tế hiện nay, những hình minh họa dành cho sinh viên ngành y cũng chỉ là những hình ảnh tương tự như những gì mà Da Vinci đã thực hiện từ thế kỷ 16.
Quy trình thực hiện các bức hình giải phẫu học của Da Vinci là vẽ xương, sau đó đắp cơ và cuối cùng thêm một hoặc hai lớp dây chằng.
Những nghiên cứu mà Da Vinci thực hiện trên cơ thể người có tầm nhìn xa và gần như hoàn toàn chính xác.
Trước một bộ phận cơ thể, Da Vinci thường thực hiện nhiều bức vẽ từ các góc độ khác nhau, chẳng hạn như đối với phần cơ - xương ở vai và cánh tay, ông thực hiện tới 8 bức vẽ.
Những nghiên cứu của Da Vinci có thể đã giúp ngành giải phẫu học đương thời có những tiến bộ nhất định. Tuy vậy, đáng tiếc những tài liệu mà ông thực hiện chỉ được lưu giữ dưới dạng tài liệu cá nhân và không được biết tới rộng rãi trong suốt vài trăm năm.
Những bức vẽ này sẽ được trưng bày tại Triển lãm của Nữ hoàng Anh từ tháng 8 đến tháng 10. Đây là lần đầu tiên những bức minh họa giải phẫu học của Da Vinci được đem ra trưng bày.