Kể chuyện thế giới năm 2013 bằng những bức ảnh ấn tượng nhất (Kỳ cuối)
(Dân trí) - 4 tháng cuối cùng của năm 2013, thế giới tiếp tục trải qua nhiều sóng gió, bất ổn kinh hoàng... Và nhiếp ảnh đã khẳng định được "sứ mệnh thế kỷ" của mình.
Ngày 5/9: Nick Vujicic, nhà hùng biện nổi tiếng người Úc, sinh ra không có chân tay, nhưng anh đã vượt lên số phận, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Trong ảnh, Nick đang bơi cùng cá mập ở công viên hải dương học tại Singapore.
Ngày 9/9: Người dân di tản khi cháy rừng ở thị trấn Clayton, bang California, Mỹ lan rộng trên diện tích 1.500 hécta.
Ngày 11/9: Một người đàn ông đang đi qua khu tưởng niệm những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố 11/9 ở thành phố New York, Mỹ. Đây là năm thứ 12 người Mỹ tưởng niệm 3.000 nạn nhân xấu số đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố năm 2001.
Ngày 21/9: Một người đàn ông đang cùng các con ẩn náu sau một quầy hàng ở siêu thị Westgate tại thành phố Nairobi, Kenya. Những tay súng của một nhóm Hồi giáo cực đoan đã bất ngờ khống chế siêu thị và làm thiệt mạng 72 người.
Ngày 22/9: Một người đàn ông Syria bị bỏng tới hơn nửa thân người sau một cuộc tấn công không kích vào khu dân cư. Anh rời khỏi bệnh viện để trở về nhà. Giờ đây, ngôi làng nơi anh sống ở tỉnh Idlib đã trở thành một bãi tan hoang với sự xuất hiện dày đặc của các binh lính.
Ngày 27/9: Một người đàn ông may mắn sống sót đang được đưa ra khỏi đống đổ nát sau khi một tòa nhà 4 tầng ở thành phố Mumbai, Ấn Độ đổ sập.
Ngày 29/9: Một người đàn ông Pakistan đang bế một em bé chạy xa khỏi hiện trường xảy ra vụ đánh bom xe hơi ở thành phố Peshawar, Pakistan. Đây đã là vụ đánh bom trong khu dân cư thứ 3 xảy ra liên tiếp trong vòng một tuần ở Peshawar khiến nhiều người chết và bị thương.
Ngày 30/9: Một phụ nữ đang lên cơn hen sau khi bị trấn áp bằng hơi cay tại một cuộc biểu tình ở thành phố Port-au-Prince, Haiti.
Ngày 1/10: Một nhân viên cảnh sát ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ đi ngang qua bức tượng của cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Tòa nhà này khi đó đang ngưng hoạt động vì Chính phủ đóng cửa. Năm 1976, khi ông Gerald Ford là Tổng thống, Chính phủ Mỹ cũng đã từng bị đóng cửa.
Ngày 7/10: Cảnh sát chống bạo động của Bỉ xuất hiện để duy trì trật tự tại một cuộc biểu tình ở thành phố Brussels.
Ngày 16/10: Trẻ em háo hức nhìn ngọn đuốc Olympic về tới thành phố Vladimir, Nga để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Mùa đông 2014 diễn ra ở thành phố Sochi.
Ngày 16/10: Lính cứu hỏa đang dập lửa bùng lên ở khu chợ hoa quả tại thành phố Karachi, Pakistan. Hơn 200 cửa hiệu đã bị thiêu rụi.
Ngày 17/10: Người dân đứng nhìn một nhà thờ đổ sập ở thành phố Loay, tỉnh Bohol, Philippines sau một trận động đất mạnh 7,2o Rícte. 158 người đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều người có nhà cũng không dám về vì sợ trận động đất gây sụt lún diện rộng sẽ khiến nhà của họ có thể bị đổ sụp bất cứ lúc nào.
Ngày 22/10: Một tay súng bắn tỉa người Syria đang trong chốt chiến đấu.
Ngày 25/10: Một đứa trẻ chạy trên lòng sông khô cạn ở thành phố Allahabad, Ấn Độ.
Ngày 29/10: Một người biểu tình phản đối chương trình nghe lén điện thoại của Chính phủ Mỹ xuất hiện tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ - ông James Clapper đang phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Ngày 6/11: Người biểu tình đứng dưới mưa ở thành phố Athens, Hy Lạp. Cuộc biểu tình kéo dài đã khiến các dịch vụ công ở nước này bị tê liệt.
Ngày 11/11: Những người dân Philippines đi ngang qua một thi hài chưa được đưa đi chôn cất, vẫn còn nằm lại trên hè phố sau khi cơn bão Haiyan quét qua thành phố Tacloban. Những ngày này, xác người nằm vất vưởng không phải cảnh hiếm gặp ở Tacloban.
Ngày 16/11: Một cô bé đang ôm anh trai mình, một lính mới nhập ngũ, khi anh này đang tuyên thệ tại một căn cứ quân sự ở Kiev, Ukraina. Tổng thống Ukraina - ông Viktor Yanukovich đã tuyên bố quân đội Ukraina sẽ có đợt tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự cuối cùng vào mùa thu năm nay.
Ngày 18/11: Một phụ nữ đang nhìn ngọn núi lửa Sinabung ở tỉnh Sumatra, Indonesia phun tro bụi. Núi lửa Sinabung phun ra những cột tro bụi cao tới 8.000m khiến hàng ngàn người dân địa phương phải đi lánh nạn vì lo sợ núi lửa sẽ phun trào dữ dội.
Ngày 21/11: Những em bé sống sót sau siêu bão Haiyan đang ngồi chơi với nhau trong một phòng tắm bị gió bão bật tung. Hai tuần sau khi siêu bão lớn nhất lịch sử ngành khí tượng đi qua, thành phố Tacloban vẫn ngổn ngang, hoang tàn.
Ngày 24/11: Người biểu tình sử dụng hơi cay và ném đá vào cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Kiev, Ukraina.
Ngày 1/12: Trẻ em Afghanistan học bài trong một lớp học tạm mở ra tại trại tị nạn đặt ở thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar.
Ngày 7/12: Một người đàn ông quấn quanh mình tấm khăn in hình cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ông Mandela đã qua đời ở tuổi 95. Ông chính là vị Tổng thống da màu đầu tiên ở Nam Phi.
Bích Ngọc
Theo Boston