Oscar - Phim hay nhất:
“Jojo Rabbit”: Trong mọi hoàn cảnh, ta luôn có quyền lựa chọn cách nhìn
(Dân trí) - Nếu sự hài hước và trí tưởng tượng vỡ vụn trước thực tế khắc nghiệt, đó sẽ là sự sụp đổ của tâm hồn trẻ thơ. Người xem lo lắng cho Jojo “thỏ đế”, nhưng cậu đã lựa chọn cho mình một cách nhìn.
“Jojo Rabbit” là một phim điện ảnh của Mỹ, được biên kịch và dàn dựng bởi đạo diễn người New Zealand - Taika Waititi (44 tuổi), dựa trên một cuốn tiểu thuyết văn học. Diễn viên nhí người Anh Roman Griffin Davis (12 tuổi) vào vai nhân vật chính - cậu bé Johannes Betzler, thường được gọi thân mật là Jojo, cậu bị bạn bè gán cho biệt danh Jojo “Rabbit” (Jojo “thỏ đế”).
Chuyện phim lấy bối cảnh nước Đức ở giai đoạn cuối Thế chiến II khi chủ nghĩa Phát-xít sắp bị đánh bại hẳn, cậu bé Jojo lúc này vẫn đang phải tham gia những hoạt động huấn luyện dành cho thiếu niên Đức khi ấy. Thế rồi cậu tình cờ phát hiện ra mẹ mình - bà Rosie (nữ diễn viên Scarlett Johansson) - đang che giấu một cô gái Do Thái trong nhà.
Từ đây, Jojo bắt đầu gặp nhiều mâu thuẫn trong nội tâm, cậu bắt đầu tự hỏi về đúng sai và nhìn nhận cuộc sống - con người xung quanh mình theo cách mới.
Nhân vật Jojo trong phim là một cậu bé hiếu động với trí tưởng tượng quá ư... phong phú. Jojo có một người bạn tưởng tượng do cậu tự hình dung ra và đặt cho cái tên… Adolf Hitler (nhân vật do chính đạo diễn Taika Waititi thủ vai).
Khi phim ra rạp, “Jojo Rabbit” đã nhận được nhiều lời khen ngợi cho nghệ thuật diễn xuất, phong cách làm phim, chất hài, sự nhân văn, thông điệp lạc quan… được lồng ghép trong phim. Phim được nhiều chuyên trang điện ảnh đưa vào top 10 phim hay nhất năm 2019. Tại giải Oscar, phim nhận được 6 đề cử, trong đó có đề cử cho Phim - Nữ phụ - Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.
“Jojo Rabbit” đã pha trộn chất hài, chất giả tưởng vào một bộ phim chính kịch lấy bối cảnh nước Đức trong một giai đoạn đen tối, để khắc họa hành trình trưởng thành, cách nhìn nhận đổi khác của một cậu bé.
Theo các chuyên gia tâm lý học, việc trẻ nhỏ tưởng tượng ra mình có những người bạn vô hình với những năng lực siêu nhiên là hoàn toàn bình thường, đó có thể là những nhân vật siêu anh hùng hay những nhân vật khiến trẻ cảm thấy nể phục, ngưỡng mộ…
Điều này đúng với trường hợp cậu bé 10 tuổi Jojo - nhân vật chính của phim, cậu hình dung mình có một người bạn rất quyền lực, giúp cậu lên tinh thần, gia tăng sự tự tin trong những lúc lo lắng, bất an. Người bạn này luôn cùng cậu giơ nắm đấm lên và la hét các khẩu hiệu.
Những điều đó cũng bình thường và có phần hài hước, dễ thương đối với một cậu bé ở tuổi Jojo. Chỉ có điều, người bạn tưởng tượng của Jojo lại là... Adolf Hitler.
Nhân vật Hitler trong phim kỳ dị, lạ lùng nhưng là phù hợp với bộ phim nhiều chất hài và giả tưởng như “Jojo Rabbit”. Bộ phim đã lọc bớt những điều đen tối trong thực tế để diễn ra theo lăng kính quan sát của Jojo - một cậu bé thông minh, nhạy cảm đã sống trong thời kỳ đen tối ấy.
Bộ phim chứa đựng cả chất hài, chất giả tưởng và đặc biệt là những xúc cảm nhân văn dịu dàng xoay quanh sự trưởng thành về mặt nhận thức của Jojo.
Đạo diễn Taika Waititi đã từng dàn dựng những bộ phim như “Hunt for the Wilderpeople” (Cuộc đi săn kỳ lạ - 2016) hay “Thor: Ragnarok” (Thor: Tận thế Ragnarok - 2017). “Jojo Rabbit” là phim điện ảnh đầu tiên của Waititi được nhận đề cử Oscar.
Biệt danh Jojo “thỏ đế” khiến cậu đau khổ, tất cả chỉ bởi Jojo không nỡ giết một chú thỏ, mà quyết định thả cho nó chạy đi giữa những tiếng la hét gây áp lực khủng khiếp cho cậu ở trong trại huấn luyện. Những nhân vật tựa như những vai hề được giao nhiệm vụ dẫn dắt trại huấn luyện càng giúp gia tăng tính châm biếm và chất hài trong phim.
Những nhân vật này kỳ thực không đáng sợ mà chỉ... ngớ ngẩn. Nhân vật được xem là đáng sợ nhất trong phim có lẽ là tay mật thám có diện mạo u ám tìm đến lục soát nhà Jojo, nhưng ngay cả nhân vật này cũng vẫn được khắc họa với những nét hài hước ngớ ngẩn.
Điều đẹp đẽ nhất trong bộ phim và điều may mắn nhất trong cuộc đời Jojo chính là người mẹ nhân hậu và dũng cảm của cậu - bà Rosie (nữ diễn viên Scarlett Johansson). Bà hoàn toàn quay lưng với chủ nghĩa Phát-xít, giữ cho mình một lăng kính nhân ái để nhìn nhận thời cuộc và mạo hiểm chính mình để cứu sống một cô bé Do Thái bằng cách giấu cô bé trong nhà.
Thái độ sống của nhân vật Rosie từ từ được bộc lộ với cậu con trai. Dù cuộc sống bên ngoài có hỗn loạn và đen tối tới mức nào, dù bản thân gia đình bà cũng phải chịu đựng những bi kịch ra sao, Rosie vẫn luôn cư xử dịu dàng, ấm áp và nhân hậu.
Rosie có một người chồng buộc phải tòng quân và đã hai năm không có tin tức gì gửi về nhà, cô con gái của bà cũng đã qua đời vì dịch cúm, nhưng Rosie vẫn luôn xuất hiện trong phim với vẻ nữ tính, dịu dàng, nội tâm bà luôn hướng tới những điều tươi sáng với lối suy nghĩ tích cực lạc quan, để dìu dắt, nâng đỡ cậu con trai nhỏ.
Jojo có thể không hiểu hết mẹ mình và những việc bà đang làm, nhưng người xem thì hiểu. Để bảo vệ cho sự ngây thơ của Jojo, người mẹ đã nỗ lực hết sức mình, nhưng nếu giữ mãi sự ngây thơ ấy, Jojo sẽ không thể hiểu về cuộc đời; còn nếu đã hiểu về cuộc đời, cậu bé sẽ không còn giữ được sự ngây thơ như ban đầu…
Jojo cần vượt qua sự ích kỷ trẻ con của mình để biết sống cảm thông, nhân hậu hơn. Người mẹ dịu dàng có thể dạy cho cậu ít nhiều, nhưng sự trưởng thành thực sự của Jojo đến từ mối quan hệ giữa cậu và cô bé người Do Thái được mẹ cậu giấu trong nhà - cô bé Elsa (Thomasin McKenzie).
Cô bé lớn hơn Jojo vài tuổi, từng học với chị gái của Jojo, Elsa có năng khiếu nghệ thuật và một tâm hồn đẹp. Sự hiện diện của Elsa trong nhà khiến Jojo thoạt tiên cảm thấy căm ghét, ghê rợn, sợ hãi; nhưng rồi khi vượt qua được những xúc cảm do bị reo rắc tiêm nhiễm, Jojo dần chuyển sang yêu thích Elsa.
Cậu không muốn có bất cứ sự xáo trộn nào xảy ra khiến Elsa rời khỏi nhà mình. Sự xuất hiện của Elsa là cơ hội để Jojo thực sự chứng minh lòng dũng cảm. Khác với những cách chứng minh ngớ ngẩn, vô nghĩa, thậm chí độc ác trong trại huấn luyện; lòng dũng cảm mà Jojo cần có lúc này thực tế hơn rất nhiều, đó là bảo vệ một cô gái vô tội.
Sự hỗn độn của xúc cảm được biểu đạt một cách chân thực và đẹp đẽ qua diễn xuất của diễn viên nhí Roman Griffin Davis (khi đóng phim cậu mới 11 tuổi). Davis đã giúp bộ phim có được sự ngọt ngào và sức hấp dẫn.
Sự ngọt ngào và sức hấp dẫn có lẽ không phải điều người xem chờ đợi ở một bộ phim nói về nạn diệt chủng và chủ nghĩa Phát-xít, có những lúc bộ phim còn trở nên quá dịu dàng, đa cảm.
Đạo diễn Waititi đã khéo léo pha trộn nhiều chất liệu để làm nên “Jojo Rabbit”, phim sắc sảo và táo bạo nhất chính bởi nó dám đưa cả sự hài hước vào trong chuyện phim. Tiếng cười nhiều khi là sự phản kháng mạnh mẽ nhất của nội tâm, giúp làm dịu đi những đớn đau, bất hạnh. Những điều hài hước nhất trong thế giới của cậu bé Jojo cũng chính là những điều đáng sợ và nguy hiểm nhất.
Khi tất cả sự hài hước và những hình dung giả tưởng ấy vỡ vụn trước thực tế khắc nghiệt, đó sẽ là lúc chứng kiến sự sụp đổ của một tâm hồn trẻ thơ. Người xem lo lắng không biết tới khi nào Jojo sẽ nhìn ra tất cả thực tế và cậu sẽ phản ứng thế nào.
Không sử dụng tới những hình ảnh ghê rợn hay xây dựng những nhân vật phản diện tàn ác, bộ phim vẫn khắc họa nên được những mảng tối, cái xấu, cái ác mà tất cả người xem đều hiểu.
“Jojo Rabbit” không phải một bộ phim khó đoán, những tình tiết thực sự khá dễ hình dung và quen thuộc, những điều ấy khiến “Jojo Rabbit” là một bộ phim ấm áp và giản dị, dễ thương, dễ xem.
Bích Ngọc