Italia mô hình hóa 3D độc đáo 19 tháp Chăm cổ tại miền Trung
(Dân trí) – Ngày 15/4, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh TT-Huế, ĐH Khoa học Huế (ĐH Huế) và ĐH Bách khoa Marché (Italia) đã phối hợp tổ chức triển lãm và tọa đàm “Di sản văn hóa Chămpa ở miền Trung Việt Nam”.
Đặc biệt với nhiều điểm mới ở triển lãm, mô tả quá trình điều tra khảo sát và các tài liệu liên quan đến 3D của tháp Chăm pa được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa Marché, sử dụng 3 kỹ thuật khác nhau: Quét laser, điện toán đám mây dày đặc với thuật toán “Cấu trúc từ chuyển động (SFM) và kỹ thuật quan trắc đa ảnh (MISP).
Nguyên nhân của cơ sở việc làm này do ngày nay, quan trắc cự ly gần và quét tia laser trên mặt đất đã được chứng minh là những phương pháp hiệu quả, chính xác cho việc cung cấp tài liệu di sản 3 chiều. Sự kết hợp của 2 kỹ thuật này với những kỹ thuật khác như công cụ đo lường địa hình hoặc bằng tay cũng được cung cấp tiềm năng, tính linh hoạt cần thiết để thực hiện 1 tài liệu hướng dẫn đầy đủ các di sản Chămpa.
Nhóm nghiên cứu đã thành công khi minh họa các di sản kiến trúc và nghệ thuật của nền văn hóa Chămpa, trên cơ sở tăng cường thu thập dữ liệu lịch sử, dữ liệu các địa điểm với các tài liệu 3D và các sản phẩm đa phương tiện. Mục đích là để tạo ra một đóng góp hữu ích cho các tài liệu kiến trúc của nền văn minh Chăm, tích hợp những gì đã có ở Ninh Thuận và viện Bảo tàng Bình Định và trong các bảo tàng khác của Đà Nẵng nhằm cho ra một sản phẩm toàn diện về tháp Chăm trên hình ảnh đa chiều
Các nhóm nghiên cứu đã chọn 19 địa điểm tài liệu khảo cổ là 19 tháp Chăm độc đáo và gần như nguyên vẹn về mặt kiến trúc cho các thời kỳ nằm xuyên suốt dải miền Trung trên 5 dải bờ biển Việt Nam. Mỗi tháp đại diện cho sự hành trình, phát triển các phong cách và kỹ thuật xây dựng, đồng thời đã cho phép nhận ra mạng lưới du lịch văn hóa dọc biển miền Trung.
Những kết quả đáng chú ý, ĐH Marché đã phát minh kỹ thuật quan trắc toàn cảnh hình cầu đa hình ảnh. Hình ảnh được chụp 360 độ từ 1 điểm duy nhất. Các hình ảnh chồng lên nhau được phản chiếu trên hình cầu. 19 tháp tiêu biểu nhất ở miền Trung Việt Nam đã được chụp 30.000 bức ảnh và 600 bức vẽ.
Phương thức quét 3D của các điểm khảo cổ tháp Chăm được tiến hành bằng máy quét laser pha Z+F Imager 5006h (Z+F). Nó đã tạo ra đám mây điểm dày đặc có chứa hàng triệu điểm và cung cấp các hình ảnh màu sắc 3D cực kỳ chi tiết của tháp Chămpa, với tốc độ từ 1.016.027 điểm/giây.
Tuy có một số khó khăn về mặt tiếp cận, rong rêu… nhưng một số tháp đã được vẽ chính xác, giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về hình học của tháp Chăm, hình thành cơ sở dữ liệu lưu trữ quý giá về mặt hình học toàn khối của tháp Chăm.
Bên cạnh đó, Tổ chức Lerici – ĐH Politechnico di Milano đã nghiên cứu sâu về vật liệu và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm. Họ đã phân tích vật liệu gốc xây dựng tháp ở phòng thí nghiệm kỹ thuật cấu trúc nhằm đưa ra thông tin khẳng định sự hạn chế của vật liệu gốc và từ đó chọn vật liệu mới thích hợp hơn.
Ngoài ra, 1 tour du lịch ảo các tháp Chăm tại miền Trung Việt Nam với phương pháp quay trực tiếp từ 1 máy ảnh kỹ thuật số. Mọi khung cảnh (ở trong nhà hay ngoài trời) được quay thành những mảng chữ nhật, sau đó kết nối lại để có được một mảng hoàn chỉnh. Bổ sung thêm các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc, tường thuật, văn bản… thì sẽ thành 1 tour du lịch ảo độc đáo, được sử dụng rộng rãi truy cập khắp mọi nơi qua internet. Vì vậy, tour du lịch ảo tháp Chăm Việt Nam sẽ trở nên vô cùng thú vị cho bè bạn thế giới.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/4 tại Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng tỉnh TT-Huế, số 1 đường 23 tháng 8, TP Huế: