“Huyền Trân công chúa” lý giải thực hư một mối tình lịch sử

(Dân trí)- Làm thế nào Huyền Trân công chúa có thể thoát khỏi nước Chiêm Thành mà không phải chịu án “hỏa táng” theo vua Chế Mân khi nhà vua băng hà? Làm thế nào để nàng và đoàn hộ tống có thể sống sót trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển...?

Nhân kỉ niệm 673 năm ngày mất Huyền Trân Công chúa (9 tháng Giêng năm 1340), NXB Kim Đồng tái bản tiểu thuyết lịch sử Huyền Trân công chúa của nhà văn Viết Linh. Cuốn tiểu thuyết lý giải uẩn khúc lớn trong cuộc đời của nàng công chúa huyền thoại, xinh đẹp, tài hoa, vì nghĩa lớn mà xuất giá làm hoàng phi của nước Chiêm Thành.

Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu, sinh năm 1931 tại Ứng Hòa, Hà Tây. Ông còn có bút danh khác là Thanh Sơn, Tùng Sơn. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987. Ông công tác tại NXB Kim Đồng từ năm 1960 cho đến khi nghỉ hưu. Ông được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992 với tác phẩm Mái trường xưa.
 
“Huyền Trân công chúa” lý giải thực hư một mối tình lịch sử

Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Huyền Trân công chúa" của nhà văn Viết Linh được NXB Kim Đồng tái bản nhân dịp kỉ niệm 673 năm ngày mất của nàng công chúa huyền thoại (9 tháng Giêng)

Ông tâm sự, ban đầu ông đặt tên cuốn sách là Khuất trong sương mù, chủ yếu là viết về quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, qua đó lý giải bí mật mối tình Huyền Trân công chúa. Nhưng khi xuất bản, cuốn sách có nhiều tên gọi khác nhau: Bí mật về Huyền Trân công chúa, Chuyện tình Huyền Trân công chúa

Đây là lần tái bản thứ năm của cuốn sách. Trong lần tái bản này, tác giả đã viết thêm về quãng thời gian Huyền Trân công chúa ở nước Chiêm Thành, giúp độc giả hiểu rõ hơn tâm tư và cuộc đời chìm nổi của nàng nơi đất khách quê người.

Viết về công chúa Huyền Trân, cả chính sử và dã sử đã tốn khá nhiều giấy mực để luận “công” và “tội” của nàng. Việc nàng thuận theo ý phụ vương là thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm phi của vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thâm tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên Mông vẫn đang ngày đêm nhòm ngó và đặc biệt là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn nàng (vùng đất Thuận Hóa - Phú xuân - Thừa Thiên Huế ngày nay) đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam.

Nhưng lịch sử cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cuộc đời nàng: Làm thế nào Huyền Trân công chúa có thể thoát khỏi nước Chiêm Thành mà không phải chịu án “hỏa táng” theo vua Chế Mân khi nhà vua băng hà? Làm thế nào để nàng và đoàn hộ tống có thể sống sót trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển, vượt qua những hải khẩu chi chít của nước Chiêm Thành với đội quân tinh nhuệ thiện chiến hay lũ hải tặc luôn đêm ngày rình rập? Và tại sao, sau hơn một năm trời, đoàn thuyền mới trở về? – Đó cũng là mấu chốt của nghi án mối tình giữa Huyền Trân công chúa và quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung – vị tướng trẻ tài ba, mưu lược được nhà Trần cử sang Chiêm quốc để tìm cách rước công chúa về nước.

Với kiến văn sâu rộng, cách kể chuyện cuốn hút, hấp dẫn, nhà văn Viết Linh đã lý giải uẩn khúc lớn nhất của lịch sử xoay quanh nàng công chúa huyền thoại: làm sao nàng có thể trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển, thực hư mối tình của Huyền Trân công chúa với quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung… giúp độc giả có thêm nhiều dữ liệu sinh động để tự tìm cho mình câu trả lời hợp lý nhất.

N.Hằng