Hướng đi nào cho sách ngôn tình?

(Dân trí) - Gần đây, giới trẻ xôn xao về một mảng sách mới du nhập từ Trung Quốc với những chuyện tình lãng mạn, kể về các nhân vật đẹp như thiên thần. Đó là dòng sách ngôn tình, đam mỹ. Nhiều bạn trẻ coi đây là sách gối đầu giường, cố sống y như các nhân vật trong sách.

Hướng đi nào cho sách ngôn tình?

Với tất cả mặt được và chưa được của truyện ngôn tình, cần có một cách ứng xử hợp lý với nó. (Ảnh minh họa)

Nhưng sách ngôn tình, đam mỹ đang trở thành một vấn đề rất đáng quan ngại là chúng đang dần dần biến chất với nhiều yếu tố sex táo bạo, phản cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, thậm chí nguy hiểm hơn nữa còn ám chỉ xuyên tạc bịa đặt, thêm thắt những điều xấu xa về người Việt. Đây là một thực tế rất đáng báo động cần phải có những giải pháp xử lý kịp thời.

Thực tế những mặt được và chưa được

Những câu chuyện tình ướt át không có gì xa lạ với mỗi người Việt, nó xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ những bộ phim tình cảm tưởng chừng như chỉ để giải trí của Hàn Quốc, Nhật Bản…người Việt giờ đây từ đầu tóc, quần áo, đồ dùng…đều sính hàng Hàn, hàng Nhật và phải công nhận rằng đó là những sản phẩm rất đẹp, chất lượng tốt. Cao hơn nữa là nếp sống của một số người cũng rất hòa nhã, có trách nhiệm hơn với tình yêu, hôn nhân.

Trên diễn đàn văn chương, có khá nhiều cây bút trẻ học theo cách viết của sách ngôn tình và đã đạt được những thành công nhất định như: Anh Khang với Buồn làm sao buông; Gào với Cho em gần anh thêm chút nữa, Hamlet Trương với Yêu đi rồi khóc… Nếu như hỏi bất kỳ một bạn trẻ nào thuộc thế hệ 8X, 9X về sách ngôn tình, đam mỹ thì họ đều có thể liệt kê ra hàng loạt các tác phẩm, bên cạnh đó họ kể được vanh vách toàn bộ nội dung và còn có thể đọc từng đoạn, từng dòng một số cuốn sách như: Trà trộn vào phòng con gái, Bên nhau trọn đời, Chỉ gọi tên em…

Trở lại với sách ngôn tình, đam mỹ trên thị trường, thực tế mà nói chúng cũng có tác dụng nhất định ở phương diện nào đó. Đây cũng là một thứ truyện đáp ứng được nhu cầu của người đọc mà đặc biệt là lớp trẻ, những người ở tuổi dậy thì, đang ở tuổi tò mò, có những khao khát muốn hiểu biết về giới tính, về người khác giới, về tình yêu, tình dục. Bạn Hương Thảo, Sinh viên trường Đại học Nội vụ chia sẻ: Em cảm thấy sách ngôn tình nó thể hiện ước mơ cuộc sống bình thường của giới trẻ, thật ra nó không có gì là xấu; còn bạn Phí Tử Quân ở Cao Bằng nói rằng: sách ngôn tình cũng như các loại truyện khác, đề tài khác, thể loại khác là đều có đối tượng của nó và tôi suy ngẫm được rất nhiều điều về tình yêu, từ đó rút ra được điều hay cho riêng mình; nhà phê bình Vũ Tuấn Anh nhận xét: cũng phải thấy rằng truyện ngôn tình có nhiều dạng, nhiều “cấp độ” khác nhau. Không phải không có những cuốn lành mạnh, đề cao những xúc cảm tình yêu, tình dục tốt đẹp; Theo Tiến sĩ Ngữ văn Lê Thị Thanh Tâm: Sách ngôn tình về ý nghĩa giáo dục thì không nhiều, tất nhiên về cái tính dân chủ trong tiếp nhận cũng khó mà hạn chế được nó tại vì sự thật thì người ta có yêu thích nó và có nhu cầu về nó.

Gần đây, với sự cạnh tranh lôi kéo độc giả, các cây bút ngôn tình ngày càng tìm đến lối viết “độc”hơn và “lạ”hơn. Truyện ngôn tình 18+, ngôn tình H đậm chất sex, truyện đam mỹ- đồng tính nam ngày càng nhiều, thể hiện sự xuống cấp của truyện ngôn tình. Ngoài việc những trang sách đậm tính sắc dục dễ đưa đến những nhận thức lệch lạc về giới tính, tình dục, tình yêu, người đọc trẻ còn như được dẫn dụ vào một thế giới xa lạ, lãng mạn và phi thực tế để đến khi buông sách, họ bỗng trở nên hụt hẫng và thất vọng với cuộc đời thực. Và họ lại tìm đến một cuốn sách khác, một thế giới ảo tưởng khác để lấp đầy nhu cầu tinh thần và cảm xúc tình dục của bản thân. Đó là một vòng xoáy khó có điểm dừng. Quả là có một thứ “chất gây nghiện” ẩn chứa trong truyện ngôn tình.

Nội dung truyện ngôn tình không chỉ dừng lại ở đó, giờ đây các truyện còn ngang nhiên đề cao tình yêu phóng túng, gợi dục và đầy chất bạo lực, thậm chí một số truyện còn ám chỉ xuyên tạc bịa đặt, thêm thắt những điều xấu xa về người Việt. Thực tế không ít những chuyện đau lòng vẫn xảy ra được báo chí đưa tin hàng ngày. Chị Hoa ở Cầu giấy chết đứng người khi đi làm về thấy con gái nhỏ 13 tuổi của mình đang “làm chuyện người lớn” ngay trong phòng khách; vợ chồng anh Khang ở Đông Ngạc lại than phiền về chuyện phải gặp cô giáo chủ nhiệm lớp 9C, nơi con gái anh đang theo học về chuyện đánh bạn học chỉ vì yêu đương ghen tuông...

Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

Có thể nói có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó là giao lưu văn hóa trong thời mở của hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhiều tác phẩm của nước ngoài về đề tài sex và bạo lực được du nhập vào Việt Nam thông qua nhiều con đường khác nhau đã có ảnh hưởng tới tư tưởng của giới trẻ. Tiếp đó là sự xuất hiện một số hình thức xuất bản mới trên mạng rất khó kiểm soát, do đó nhiều cây bút trẻ cứ thản nhiên viết sách theo ý mình muốn.

Bên cạnh đó, là sự hãnh tiến của một số nhà văn trẻ muốn nổi bật một cách nhanh chóng như ý kiến của nhà văn Vương Trí Nhàn: Trong những con đường lập danh cho nhanh, cho xôm trò thì viết về sex theo kiểu hiện nay có vẻ ngon ăn hơn cả. Một lớp công chúng lười nghĩ và ham hưởng thụ rất cần được vuốt ve chiều chuộng. Họ sẵn sàng tung hô những tác phẩm nói hộ điều họ muốn, còn mấy cây bút kia lại càng có dịp vênh vang mà nói rằng đã có công tạo ra trong văn chương một làn sóng mới.

Về phía các nhà xuất bản sách thì luôn bị đau đầu bởi gánh nặng kinh tế. Vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải đảm bảo được doanh thu. Nếu sách không đáp ứng được nhu cầu của độc giả thì không tiêu thụ được, mà như vậy thì ảnh hưởng đến doanh thu. Một số đơn vị xuất bản sách đã không ngại ngần chạy theo lợi nhuận mà nhập khẩu một cách tràn lan hay bỏ mặc sản phẩm của mình cho các đối tác liên kết.

Giải pháp xử lý kịp thời, hợp lý

Với tất cả mặt được và chưa được của truyện ngôn tình, cần có một cách ứng xử hợp lý với nó. Vừa qua, Cục xuất bản, In và phát hành (Bộ TTTT) đã có công văn số 2116 gửi các nhà xuất bản trong cả nước yêu cầu từ nay "không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đồng tính nam; cần lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Việc xử lý này rất kịp thời nhưng xem ra cần phải có những hình thức xử lý nặng hơn và cần phải quy rõ trách nhiệm đối với nhà xuất bản. Nhưng có một biện pháp hữu hiệu hơn cả đó là cần phải nâng cao hơn nữa “trách nhiệm của người dịch trong việc lựa chọn sách cũng như của nhà xuất bản và người biên tập- những người mẫn cảm hơn ai hết với sự hay dở của mỗi cuốn sách. Và những cây bút phê bình, điểm sách, giới thiệu sách cũng không nên coi mảng sách này như sản phẩm thứ cấp của văn chương để làm lơ sự tồn tại của nó mà cần kịp thời có những phân tích, giới thiệu, khen chê tinh tường xác đáng nhằm định hướng cho người đọc” - nhà phê bình Vũ Tuấn Anh.


Lê Thu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm