Hướng dẫn viên du lịch về quê làm ống hút từ… cỏ, xuất sang trời Âu
(Dân trí) - Nhận thấy vùng nguyên liệu cỏ sậy, cỏ bàng dồi dào ở quê, Huỳnh Văn No lên ý tưởng biến chúng thành ống hút, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem đến công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.
Huỳnh Văn No (28 tuổi), sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Có nhiều kỷ niệm với cây cỏ sậy, cỏ bàng ở quê, những ngày thơ ấu No thường dùng cây sậy ngoài đồng làm ống hút để uống dừa khi ra đồng chơi cùng anh chị.
Cùng với trăn trở làm điều gì đó để thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng ống hút nhựa, giúp bảo vệ môi trường. Tháng 3/2019, ý tưởng đã "chín muồi", chàng trai quyết định thực hiện dự án làm ống hút từ cỏ sậy, cỏ bàng.
Trước khi bén duyên với công việc sản xuất ống hút từ cỏ, chàng trai 9X có 5 năm là hướng dẫn viên du lịch. Nhờ tính chất công việc, No có cơ hội được đi 22 quốc gia ở Châu Á Và Châu Âu.
"Khoảng thời gian đó cho tôi rất nhiều thứ, từ tư duy, nhận thức, đặt biệt là thế giới quan. Cũng từ đó mình mới có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn minh hiện đại của những quốc gia phát triển trên thế giới", chàng trai Kiên Giang nói.
Một trong những quốc gia khiến No ấn tượng nhất là Singapore, nơi được mệnh danh là quốc đảo sạch nhất thế giới. Trực tiếp cảm nhận điều đó và biết được những quy luật bảo vệ môi trường khắt khe đã giúp ý thức bảo vệ môi trường của chàng trai Việt dần lớn hơn.
No suy nghĩ, với kiến thức mình đã tiếp nhận có thể tạo ra một công việc gì đó tại vùng nông thôn để giữ chân người lao động tại quê nhà, họ không phải đến các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương làm ăn, để lại ruộng hoang, mẹ già, con nhỏ ở quê.
Nghĩ là làm, No đến những vùng đệm của rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang để tìm mùa nguyên liệu cỏ sậy, cỏ bàng, xây dựng xưởng sản xuất.
Xuất thân là một hướng dẫn viên du lịch, nên khi tay ngang sang sản xuất ống hút từ cỏ, No gặp khó khăn lớn nhất là trang thiết bị và quy trình, có những máy móc mua về không sử dụng được vì không khả thi. Chàng trai 9X phải tự nghiên cứu, tìm kiếm những máy móc có công năng tương tự với nhu cầu sử dụng của mình.
No cho biết, để làm ra một ống hút từ có gồm có 8 công đoạn: Sau khi thu mua về, cỏ sậy được cắt theo từng ống có chiều dài 15 - 20cm; khoan thông ống; vệ sinh phía trong và ngoài ống; luộc trong nước sôi 10 phút; sấy khô bằng máy sấy chuyên dụng; xử lý tia UV; kiểm tra và đóng gói.
Ống hút làm từ cây cỏ nói chung có rất nhiều ưu điểm: Mức tiêu tốn năng lượng như điện, nước ít hơn các loại khác như giấy, nhựa. Bên cạnh đó, rác thải sau khi sản xuất không độc hại đến môi trường, không có bất kỳ hóa chất nào sử dụng trong quá trình sản xuất. Về hệ sinh thái hầu như không ảnh hưởng, bởi cây cỏ có vòng đời một năm, nếu không thu hoạch cây sẽ già và tự chết đi, bắt đầu chu kỳ mới.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, xưởng của anh có thể sản xuất được tối đa khoảng 5 - 6 triệu ống hút cỏ sậy và cỏ bàng các loại. Ống hút có đủ kích cỡ để phục vụ cho các mục đích uống trà sữa, cà phê, sinh tố...
Sản phẩm ống hút của chàng trai Kiên Giang không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn chinh phục được nước khó tính trên thế giới, như: Đức, Hà Lan, Áo, Singapore, New Zealand….
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, vận chuyển nên thời gian qua, xưởng chỉ nhận sản xuất theo đơn hàng khách đặt trung bình khoảng 400,000 - 800,000 ống/tháng.
Nhìn lại hành trình mang sản phẩm quê hương đến "trời Âu", Huỳnh Văn No thấy "mình được nhiều hơn mất". Anh được hiện thực hóa được ý tưởng và trăn trở của mình bấy lâu nay, được trải nghiệm một lĩnh vực hoàn toàn mới như sản xuất, nghiên cứu thị trường, xuất khẩu… Và tự hào hơn khi sản phẩm của quê hương có mặt ở các nước phát triển trên thế giới.
Giá thành ống hút cỏ dao động từ 500 - 800 đồng/ống, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Ống hút chỉ cần để ở nơi thoáng mát và khô ráo sẽ sử dụng được trong 12 tháng.
Với ưu điểm thân thiện môi trường, dễ phân hủy, màu sắc tự nhiên bắt mắt… ống hút cỏ bàng, cỏ sậy được nhiều khách hàng tích cực đón nhận.