TPHCM:

Hơn 50 tỷ đồng trùng tu chùa cổ Giác Viên

(Dân trí) - Hơn 200 tuổi, Giác Viên nằm trong số những ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn. Sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia này sẽ được trùng tu với kinh phí 51 tỷ đồng.

Chùa Giác Viên (quận 11) được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là di tích lịch sử -  văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Tuy nhiên, hiện nay ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Giác Viên được trùng tu sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi
Chùa Giác Viên được trùng tu sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi

Theo các sư trong chùa cho biết, phần mái chính điện của chùa đã cũ nát, ngói xô lệch, rơi vỡ, thủng dột nhiều chỗ. Hệ thống mái ngói chùa bị nước mưa xối vào, gây ẩm thấp, nấm mốc. Vì thế, phần nội thất bằng gỗ, tượng thờ và đồ thờ tự trong chính điện cũng bị hư hại theo, ẩm mốc, mối mọt.

Khu vực Đông lang xuống cấp nghiêm trọng
Khu vực Đông lang xuống cấp nghiêm trọng

Khu vực Đông lang của chùa, nhiều chỗ đã bị sụp đổ, tan hoang. Ngay cả khu Tây lang được trùng tu từ năm 1991 cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ bởi cột kèo bị hư hại, mối mọt.

Trước kia, dù ở khu vực trũng nhưng nhờ có hệ thống kênh, rạch xung quanh nên ngôi chùa luôn sạch sẽ, khô ráo. Những năm gần đây, nhiều hộ dân cư xây dựng nhà cửa, hệ thống tường đã ngăn lối thoát nước của chùa. Vì thế, mỗi khi trời mưa lớn là ngôi chùa bị ngập nước. Điều này khiến kiến trúc ngôi chùa càng xuống cấp nhanh hơn.

Hơn 50 tỷ đồng trùng tu chùa cổ Giác Viên - 3
Cột, kèo bị mục nát
Cột, kèo bị mục nát

Kế hoạch trùng tu ngôi chùa đã được bàn đến từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên mãi đến nay UBND TP mới quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên.

Dự án sẽ tôn tạo một số hạng mục công trình nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái nơi đây.

Theo đó, một số hạng mục công trình đã bị sụp đổ (nhà trù, nhà cốt) sẽ được phục dựng theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật để thay thế công trình bị sụp đổ. Dự án cũng sẽ gia cố, gia cường lại một số kết cấu làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích này.

Hơn 50 tỷ đồng trùng tu chùa cổ Giác Viên - 5
Nhiều chỗ đã bị sụp đổ hoàn toàn
Nhiều chỗ đã bị sụp đổ hoàn toàn

Kế hoạch trùng tu sẽ giúp ngôi chùa giữ được nét cổ kính mang phong cách dân gian với nghệ thuật trang trí, chạm khắc gỗ cực kỳ tinh xảo. Qua đó, tạo ra một địa điểm tham quan du lịch mới của thành phố.

Khu vực tháp tổ trong chùa Giác Viên
Khu vực tháp tổ trong chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên được xem là một trong những ngôi cổ nhất, gắn liên với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn. Chùa Giác Viên ban đầu là một am thờ phật vào cuối thế kỷ XVIII. Sau đó được đổi tên thành Quan Âm Viện vào năm 1805. Đến năm 1850, Quan Âm Viện được chính thức đổi tên thành chùa Giác Viên.

Kiến trúc chùa Giác Viên gồm hai nếp nhà tứ trụ ghép liền nhau. Nếp nhà trước làm chánh điện, thờ chư tổ. Nếp nhà sau làm giảng đường, phòng khách. Hai bên hông có hai dãy Đông lang và Tây lang nối vào nhà chính.

Chùa có 153 pho tượng, làm bằng gỗ mít, được tạo tác vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tập trung chủ yếu ở chánh điện (128 pho) với giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc... Ngoài ra, chùa còn có 58 bao lam (cửa võng); 60 phù điêu; 128 câu đối, trong đó có 56  câu đối được chạm khắc trên những trụ gỗ cao lớn…

Chùa Giác Viên là một trong những di tích còn lưu lại nhiều hiện vật thể hiện được bản sắc của văn hóa Phật giáo ở Nam Bộ. Chùa được đánh giá cao giá trị kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc. Đây là công trình quý hiếm, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đất Gia Định giai đoạn thế kỷ XIX.

Quốc Anh