Hơn 107 tỷ đồng tu bổ nhiều hạng mục hư hại của lăng Tự Đức

(Dân trí) - Ngày 23/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành lễ khởi công “Công trình bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lăng Tự Đức” đối với nhiều hạng mục bị hư hại nặng, đảm bảo an toàn cho du khách.

Theo đó, có 7 công trình ở lăng Tự Đức được bảo quản, tu bổ và phục hồi gồm: Lương Khiêm Điện, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Chí Khiêm Đường, Tiểu Khiêm Trì, khu vực hồ Lưu Khiêm và Tiểu Khiêm Trì. Tổng kinh phí là 107,8 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ đây cho đến năm 2019.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, trải qua gần 200 năm tồn tại, trước tác động của thời gian, khí hậu và chiến tranh, phần lớn các công trình của lăng Vua Tự Đức đã bị xuống cấp trầm trọng. Mặc dù trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã cố gắng tiến hành nhiều cuộc trùng tu, sửa chữa, gia cường gia cố, bảo tồn được một số hạng mục công trình, tuy nhiên do hạn hẹp về kinh phí nên số lượng công trình được bảo tồn còn hạn chế.

Do vậy vậy nhiều hạng mục công trình quan trọng khác của lăng vẫn ở trong tình trạng hư hại nghiêm trọng. Trong đó các công trình: Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, khu vực hồ Lưu Khiêm và Tiểu Khiêm Trì là những kiễn trúc bị hư hại nặng nhất, không đảm bảo an toàn cho du khách cũng như bản thân công trình.

Lễ khởi công tu bổ, phục hồi nhiều hạng mục bị hư hại tại lăng Tự Đức

Lễ khởi công tu bổ, phục hồi nhiều hạng mục bị hư hại tại lăng Tự Đức

Được biết, lăng vua Tự Đức, hay còn được gọi là Khiêm lăng là một quần thể di tích kiến trúc lăng mộ của Tự Đức, vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Nguyễn. Được khởi công xây dựng vào tháng 12/1864, với sự nỗ lực thi công của hàng vạn lính và thợ, sau hơn 7 năm thi công gần 50 hạng mục công trình kiến trúc đã được hoàn thiện vào năm 1873.

Cùng với các công trình khác của quần thể kiến trúc cung đình Huế, ngày 12 tháng 11 năm 1993, di tích lăng Vua Tự Đức đã được Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa của Nhân loại.

Lúc còn sinh thời, Vua Tự Đức vốn nổi tiếng là người uyên thâm về nền học thuật phương Đông, đặc biệt là nho học.Nhà Vua không những giỏi về Sử học, Triết học, Văn học Nghệ thuật mà còn rất yêu thơ. Vì vậy khi xây dựng cho xây dựng nơi an nghỉ vĩnh hằng của mình, nhà vua hết sức chú trọng đến ý tưởng kết hợp hài hòa các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh, tất cả nhằm một mục mục đích tạo nên một bài thơ kiến trúc giữa một cảnh quan hết sức thơ mộng. Từ nhiều năm nay, lăng Vua Tự Đức thật sự cuốn hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng ngoạn.








Đại Dương