Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất tổ chức giải thưởng sách ASEAN
(Dân trí) - Giải thưởng sách ASEAN là một trong những đề xuất mà Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác chung trong khu vực Đông Nam Á.
Sáng 15/9, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội nghị thường niên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA).
Tham dự hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA cùng đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM…
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT TPHCM - bày tỏ vinh dự khi TPHCM được chọn là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của BCH Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á 2023.
Giám đốc Sở TT&TT TPHCM khẳng định lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến văn hóa đọc, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận với sách, báo, bồi dưỡng kiến thức thông qua việc đọc sách.
"Nhiều công trình về văn hóa đọc được đầu tư xây dựng, trong đó nổi bật là Đường sách TPHCM. Những hoạt động này góp phần thúc đẩy ngành xuất bản của thành phố tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đầu tư cho văn hóa đọc là đầu tư cho văn hóa con người. TPHCM cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực này", ông Lâm Đình Thắng nói.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA - bày tỏ niềm vui khi Việt Nam là một phần của cộng đồng đã sát cánh trong 18 năm qua và giữ vai trò chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022-2023.
"Hiệp hội bước đầu đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên. Hiệp hội trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Qua đó các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước", ông Phạm Minh Tuấn nói.
Tại hội nghị, đại diện Hội Xuất bản các nước thành viên ABPA báo cáo tình hình xuất bản nước mình. Qua đó các nước cùng nhìn lại thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo thống kê, ngành xuất bản của nhiều quốc gia trong khu vực bị sụt giảm vì ảnh hưởng của Covid-19, đối mặt với nhiều bài toán phải giải quyết. Mặc dù có những khó khăn, một số quốc gia vẫn chủ động, nỗ lực phát triển, thúc đẩy văn hóa đọc, phát triển xuất bản điện tử, góp phần hiện đại hóa ngành xuất bản các nước.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - trình bày báo cáo của Hội Xuất bản Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam hiện có 57 nhà xuất bản, trên 2.000 pháp nhân kinh doanh sách, 13.000 điểm phát hành sách trên cả nước. Ngành xuất bản Việt Nam nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, có hệ thống pháp luật đầy đủ để đáp ứng hoạt động.
Những năm gần đây, ngành xuất bản Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, đứng trước thách thức khi cạnh tranh với các phương tiện nghe nhìn, nhưng vẫn có những bước phát triển, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Hội Xuất bản Việt Nam.
Năm 2022, Việt Nam có 33.000 đầu sách được xuất bản, 539 triệu bản sách phát hành, tăng 54% so với năm trước. Tổng doanh thu của ngành xuất bản năm 2022 là 4.000 tỷ đồng.
Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam cũng đưa ra 3 đề xuất chính, bao gồm:
- Tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến "One ASEAN", thúc đẩy giao lưu giữa nhà xuất bản các nước, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.
- Thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bản quyền.
- Tổ chức giải thưởng sách ASEAN, trong đó Ban giám khảo (chủ tịch các hội xuất bản thành viên ABPA) sẽ cho ý kiến về các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương kèm bản dịch tiếng Anh).
Đại diện đoàn Thái Lan, Malaysia ủng hộ đề xuất "One ASEAN" của Việt Nam, đồng thời đề xuất sáng kiến lập Hội chợ bản quyền ASEAN. Đây sẽ là những hoạt động để các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực.
Đoàn các nước thành viên khác trong ABPA cũng nêu một số thách thức mà ngành xuất bản khu vực đối mặt khi tổ chức giải sách ASEAN, trong đó rào cản lớn nhất là ngôn ngữ bởi mỗi nước sử dụng một ngôn ngữ riêng.
Đại diện đoàn Singapore cho rằng khu vực Đông Nam Á không thiếu những nhà văn có khả năng được đề cử Nobel và ABPA có thể học hỏi mô hình trao giải của Nobel. Các quốc gia cần tập trung nguồn lực, thể hiện quyết tâm để tổ chức được giải sách của khu vực.
Để chào mừng Hội nghị, Đường sách TPHCM phối hợp các nhà xuất bản tổ chức Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ 14 đến 16/9.
Triển lãm trưng bày khoảng 100 tựa sách tiếng Việt, ngoại ngữ, song ngữ, chia thành 3 cụm gồm: Không gian sách Hồ Chí Minh; sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dịch sang 7 thứ tiếng; sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, các thành viên ABPA cũng tham gia một số hoạt động bên lề để hiểu hơn về văn hóa và nền xuất bản Việt Nam như: Thăm di tích Bến Nhà Rồng, Đường sách TPHCM, hệ thống Nhà sách Phương Nam, hệ thống Nhà sách Fahasa….