Nam Định:
Hội thảo quốc tế "Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại"
(Dân trí) - Ngày 6/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (Trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)".
Với mục đích khẳng định giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, về Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nói riêng, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong nước và quốc tế tham dự.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đã tập trung thảo luận bốn nội dung cơ bản gồm: Một số vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu nghi lễ, tín ngưỡng; Các hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và các hình thức tương đồng khác; Những vấn đề về chính sách, pháp luật đối với tín ngưỡng; Bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Phạm Thị Bích Liên cho biết: Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, đại diện cộng đồng trao đổi, học tập kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Một số chủ đề được chú ý tại hội thảo như: Khi di tích, di vật và thực hành tôn giáo trở thành di sản văn hóa, tiếp cận lý thuyết và thực hành của Giáo sư, Tiến sĩ Oscar Johannes Hurbertus Maria Salemink (Hà Lan); Nghi lễ lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ Việt Nam từ cách tiếp cận liên ngành của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; nghi thức đạo Mẫu ở miền Nam California của Giáo sư, Tiến sĩ Janet Alison Hoskins (Hoa Kỳ)...
Thông qua các nghiên cứu so sánh những hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở các địa phương trong cả nước cũng như trên thế giới, các nhà khoa học mong muốn làm rõ hơn những điểm tương đồng và khác biệt, từ đó thấy được những giá trị chung và riêng, địa phương và nhân loại, nhằm nhận diện những đóng góp của tín ngưỡng thờ Mẫu vào tính đa dạng văn hóa của loài người.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất khẳng định: Ở Việt Nam, thờ Mẫu có một chỗ đứng đặc biệt, có sức lan tỏa lớn và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại. Tín ngưỡng thờ Mẫu với những nghi lễ, lễ hội được thực hành phổ biến trong các cộng đồng dân tộc, thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn dân tộc, đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái…
Các đại biểu cho rằng: Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thay đổi lớn lao trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội là những biến chuyển phức tạp trong đời sống tâm linh, trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Vì thế, quần chúng nhân dân - chủ thể của nền văn hóa và các cơ quan chức năng cần đấu tranh loại bỏ những biểu hiện tiêu cực trong các lễ hội, ngăn chặn nguy cơ biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, làm sai lệch các giá trị của di sản. Đồng thời, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước hướng tới hoàn thiện các thủ tục theo quy định trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Theo PGS, TS Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Tín ngưỡng thờ mẫu rất là nhiều giá trị, giá trị về người mẹ, người mẹ tối linh người mẹ với bản tính nữ, bản tín che chở sáng tạo rồi bảo trợ cho cộng đồng rồi người mẹ đã sản sinh ra nhân loại và vun đắp rất nhiều giá trị của gia đình của cộng đồng, của làng nước. Nó có giá trị cấu kết cộng đồng rất là nhiều, những cộng đồng các bản hội, cộng đồng tín đồ, những ngày lễ hội thì đó là ngày hội của tất cả, nó giúp cho chuyện giáo dục truyền thống và tinh thần cấu kết cộng đồng. Các nghi lễ của tam phủ, tứ phủ của miền bắc hay là thờ mẫu của miền trung, các bà mẹ xứ sở nó cũng rất đa dạng, trong đó nó tích hợp rất là nhiều giá trị về văn hóa nghệ thuật như là những bài trầu văn, những điệu múa thiêng, nó là môi trường để dung dưỡng rất nhiều giá trị đặc sắc của dân tộc."
Đức Văn