Hội thảo khoa học về Phan Khôi: “Người tiên phong” trên nhiều lĩnh vực văn hóa

Ngày 6/10, nhân kỷ niệm 127 ngày sinh cụ Phan Khôi, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam và Hội Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”.

 

Cụ Phan Khôi

Cụ Phan Khôi

 
Ông Đinh Hài, GĐ Sở VH-TT-DL Quảng Nam nhận định: “Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Khôi gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX. Một giai đoạn đòi hỏi người trí thức yêu nước như ông sớm có chính kiến và hành động để bảo vệ văn hóa dân tộc. Ông đã đóng góp rất nhiều công sức cho làng báo, làng văn và trở nên nhân vật nổi tiếng trên văn đàn, góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình văn hóa Việt Nam”.

 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, đánh giá: “Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo nên mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo, người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí. Nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi còn là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền.

 

Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống. Nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ, ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận”.

 

Theo các nhà nghiên cứu, hoạt động báo chí của Phan Khôi sôi nổi nhất vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước, đó là giai đoạn tư tưởng và văn hóa dân tộc đang cần xác định phương hướng đúng đắn để kịp tiến lên tiếp cận với trình độ tư tưởng và văn hóa thời đại. Ông xông xáo trên văn đàn để đáp ứng yêu cầu đó của thời cuộc. Ông ủng hộ tân học, hướng về hiện đại với ngòi bút tung hoành ngang dọc, có lúc bướng bỉnh, ngang tàng nổi tiếng một thời.
 
Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

 

Trên lĩnh vực văn học, Phan Khôi là một trong những người khai sinh ra thể văn phê bình văn học ở nước ta, một thể văn không thể thiếu vắng trong nền văn học hiện đại, và là người đầu tiên giữ vai trò phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông là người mở đường, người dẫn đường, khai sáng nền thơ mới dân tộc và hiện đại, đưa nền thơ ca Việt Nam thực sự bước vào thời kỳ hội nhập Đông - Tây, phát triển trong toàn cảnh bức tranh và tiến trình lịch sử văn học toàn thế giới. Phan Khôi là nhà ngữ học, thể hiện qua việc nghiên cứu tiếng Việt.

 

Trên lĩnh vực khoa học xã hội, Phan Khôi là người sớm tiếp thu văn minh phương Tây, tiếp thu và vận dụng thuyết “Tiến hóa luận” của Charles Darwin, tiếp thu và vận dụng logic học, tiến tới thực hành và bảo vệ phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong sự nghiệp học thuật ở tất cả các lĩnh vực.

 

Trên lĩnh vực tư tưởng xã hội, Phan Khôi là người ủng hộ nhiệt huyết chủ trương duy tân vào đời sống xã hội. Bên cạnh những gương mặt nổi bật như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng..., Phan Khôi thường tự thể hiện mình là người phản biện chuyên nghiệp. Và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức. Đặc biệt, tính cách “Quảng Nam hay cãi” được thể hiện rất rõ nét qua những phản biện của Phan Khôi.

 

Tổng kết hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Tư duy khoa học cụ Phan Khôi để lại, không chỉ là những di cảo mà còn là tấm gương, là tính cách riêng kết tinh của vùng địa linh nhân kiệt, là học trò xuất sắc của cụ Phan Chu Trinh. Sau hội thảo về văn hóa, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có một hội thảo về Phan Khôi – một nhân vật lịch sử. Chúng tôi muốn kiến nghị với tỉnh Quảng Nam cần quan tâm bảo tồn, phát huy những di sản liên quan đến Phan Khôi, tập hợp những dữ liệu của Phan Khôi để cùng các nhà chuyên môn xây dựng bộ toàn tập về Phan Khôi đầu tiên”.

 

 

Phan Khôi, hiệu Chương Dân, sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1959 tại Hà Nội. Ông là con của Phó bảng Phan Trân, tri phủ Diên Khánh và bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Xuất thân từ một dòng tộc và quê hương có truyền thống yêu nước, khoa bảng và hiếu học, ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi (1906), nhưng sau đó, ông bỏ lối học khoa cử, mà trau dồi chữ Quốc ngữ và tự học tiếng Pháp, rồi ông gặp Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng yêu nước, cách mạng của hai nhà chí sĩ.

 

 

Theo Trương Tâm Thư

Lao Động