Hoạt động biểu diễn trong quán bar, cà phê… đang bị buông lỏng

(Dân trí) - Hiện nay, hoạt động biểu diễn trong các nhà hàng, quán bar, cà phê… ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, do các hoạt động này không bán vé nên không cần xin phép, không có chế tài xử lý khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý.

Ngày 11/11, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức hội thảo Đánh giá việc thực thi pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và định hướng xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn tại TPHCM. Hầu hết các tỉnh thành có tham luận phát biểu tại hội thảo đều bức xúc về vấn đề quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại những cơ sở kinh doanh ẩm thực dưới hình thức phục vụ không bán vé.

Các đại biểu tham gia hội thảo yêu cầu đưa vào quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các cơ sở ẩm thực, giải trí
Các đại biểu tham gia hội thảo yêu cầu đưa vào quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các cơ sở ẩm thực, giải trí

Ông Tôn Thất Cần, Phó phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM) cho biết: “TPHCM là địa bàn có rất nhiều quán bar, cà phê và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách. Dù nói là không bán vé nhưng thực ra họ đã tính tiền vé vào giá thức ăn, nước uống. Mà theo quy định hiện nay, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không bán vé thì không cần xin phép, thẩm định, phê duyệt… là không phù hợp”.

Kiến nghị mạnh mẽ nhất là của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế. Theo đại diện Sở này, tại Huế hiện nay các cơ sở kinh doanh bar, phòng trà, quán giải khát và các hình thức tương tự đã xuất hiện một số biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật như mở nhạc sàn, nhạc DJ, phát loa phóng thanh âm lượng lớn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thời trang nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý… Những hoạt động này đang gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân xung quanh mà cơ quan quản lý nghệ thuật lại không có chế tài xử phạt, không có cơ sở để xử lý.

Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế cũng nhận định các cơ sở trên “lách luật” bằng cách tổ chức biểu diễn không bán vé để không cần xin phép tổ chức. Nhưng thực ra, họ thu tiền vé bằng cách tăng giá vé dịch vụ ăn uống lên gấp nhiều lần.


Nhân viên múa cột được phát hiện tại 1 quán bar ở TPHCM khi công an kiểm tra (ảnh: Đình Thảo)

Nhân viên múa cột được phát hiện tại 1 quán bar ở TPHCM khi công an kiểm tra (ảnh: Đình Thảo)

Các tỉnh thành khác tham gia báo cáo tham luận như Đồng Nai, Bình Dương… cũng bức xúc về hoạt động này. Sở VH-TT&DL Bình Dương còn phản ánh nhiều bất cập khi “buông lỏng” việc quản lý các hoạt động biểu diễn không bán vé, để các cơ sở dịch vụ, kinh doanh ẩm thực tổ chức tràn làn. Chẳng hạn như thiết kế công trình của các cơ sở này (chủ yếu nằm trong các khu dân cư) vốn không phù hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, khi hoạt động diễn ra gây tiếng ồn vượt quá quy định, lượng người xem quá sức chứa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn…

Do đó, các đơn vị này đồng tình kiến nghị Bộ VH-TT&DL quy định cụ thể, chặt chẽ đối với những trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại cơ sở không bán vé, tránh biểu diễn trá hình tại các phòng trà, quán bar, nhà hàng… Đồng thời, các đơn vị cũng kiến nghị quy định chế tài xử phạt trong trường hợp không bán vé nhưng phụ thu vào tiền nước của khách với giá cao.

Theo ông Tôn Thất Cần, đối tượng quản lý ở đây là hoạt động biểu diễn nghệ thuật chứ không phải là có thương mại hay không. Do đó, hễ có biểu diễn nghệ thuật thì cần phải quản lý, thẩm định nội dung, cấp phép tổ chức thì mới đảm bảo quản lý tốt được các hoạt động biểu diễn tự phát, tràn lan tại các cơ sở ẩm thực hiện nay. Do đó, Sở VHTT TPHCM cũng đề nghị cần đưa nội dung này vào Luật Nghệ thuật biểu diễn sắp xây dựng.

Một biến tướng khác của hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật không bán vé, thu tiền người xem là các chương trình lồng ghép với quảng cáo sản phẩm, vận động gây quỹ từ thiện… Các hoạt động này ngày càng phức tạp nhưng cơ quan quản lý khó kiểm soát vì không có quy định xử lý.

Tại hội thảo, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng báo cáo đánh giá việc thực thi pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong thời gian qua. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, ông nhận định lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể như một số cơ quan quản lý địa phương chưa thực hiện đúng các quy định cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu không đúng thẩm quyền, tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân vi phạm; một số chương trình nghệ thuật còn nhiều sai phạm như trang phục hở hang, phản cảm, phát ngôn thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ; vấn đề tác quyền chưa được xem trọng...

Tùng Nguyên