Hoàng Yến Anh, “nàng thơ” của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió

(Dân trí) - “Tôi viết văn và làm thơ chỉ là để ghi lại những cảm xúc buồn vui của mình trong cuộc sống mà thôi và xem đó như là một cách để tạ ơn cuộc đời, tạ ơn những con người đang sống ở bên tôi”.

Nói như Trang Hạ, “Tôi mang đời vào văn chương nhưng cố gắng không để mang văn chương vào đời”, tôi thích cái triết lý ấy vì nó cũng là những điều mà tôi nghĩ và muốn làm .

 

Chỉ là “kẻ ngoại đạo với văn chương”

 

Đó là những chia sẻ rất thật của Hoàng Yến Anh, một người luôn tự nhận mình là kẻ ngoại đạo với văn thơ nhưng khi đọc và cảm nhận từng câu văn, vần thơ của cô gái mỏng manh này, sự tinh tế đầy cảm xúc đã khiến cho nhiều người đọc cảm thấy cô là một nàng thơ đích thực.

 

Những tập thơ của Hoàng Yến Anh phải kể đến Hương Tình Yêu ( Thơ, 2008),  Giấu (Thơ, 2010), Hôn mưa ( Truyện ngắn, 2011) và “Dưới nắng trời Châu Âu“ (6/2012). Trước khi những tập văn thơ được xuất bản, Hoàng Yến Anh còn là một blogger nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ yêu mến.

 

Hoàng Yến Anh, nàng thơ của mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió
Hoàng Yến Anh, nàng thơ của mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió



Hoàng Yến Anh thuộc thế hệ 8X, được sinh ra và nuôi nấng bởi những cơn gió Lào khô bỏng rát trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Nhưng không vì thế mà nó khiến tâm hồn cô khô khan. Đến với văn thơ một cách tình cờ, cô chia sẻ rằng: “Tôi viết văn và làm thơ chỉ là để ghi lại cảm xúc của mình những lúc vui, lúc buồn, lúc đau khổ và cả khi hạnh phúc. Thơ tôi mang đầy chất tự sự của một người con gái, tôi viết ra từ những điều rất thật của lòng mình.

 

Với tôi viết là một cuộc chơi chữ và cũng là một cách để tạ ơn cuộc sống, tạ ơn những người đã luôn ở bên tôi và dõi theo những bước đi của tôi .Thơ là tiếng nói chung, là nhịp cầu kết nối những yêu thương, là nơi để cho tất cả chúng ta được sống, được giãi bày, cảm thông và biết đâu chúng ta cùng có thể tìm ra những nhịp điệu chung của tâm hồn. Qua những câu chuyện, bài thơ của mình, tôi muốn được chia sẻ cùng các bạn những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, những phút giây được thả lòng mình trong những khoảng lặng bình yên của tâm hồn ….”.

 

Cái duyên với báo chí

 

Tháng 9/2001, Yến Anh qua Đức học tập chuyên ngành kinh tế. Cô gọi đó là sự sắp đặt của gia đình còn với văn chương, theo cô đó là một cái duyên của cuộc sống. Đối với cô, văn chương hay báo chí chỉ là một chút năng khiếu và đam mê chứ không phải là một công việc để cô theo đuổi suốt cả cuộc đời. Đôi lần, mẹ Yến Anh có nói với cô rằng bà không thích cô viết, nhất là làm thơ, vì con gái làm thơ thường rất đa đoan. Không biết cái quan niệm đó có từ đời nào và những người ngoài cuộc nhìn nó ra sao, nhưng đặt vào hoàn cảnh của mình, thơ đã từng cứu cánh cuộc đời của Yến Anh và cô cũng không nhớ đã bao lần cô “vịn” vào thơ để đứng dậy cho dù thơ, như nhiều người nói, chỉ là một thứ niềm tin hư ảo.

 

Hoàng Yến Anh, nàng thơ của mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió



Yến Anh là một người hay mơ mộng nhưng cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng văn chương chỉ có thể nuôi dưỡng tâm hồn tôi chứ không thể nuôi dưỡng cuộc đời tôi, thế nên cô quyết định theo học Kinh tế để cân bằng cuộc sống. “Tôi muốn người ta biết đến mình là một nhà kinh tế biết viết văn hơn là điều ngược lại”, Yến Anh quả quyết.

 

Bắt đầu viết báo từ năm 2009 và cũng có nhiều bài đăng trên Tuổi trẻ, Phụ Nữ Việt Nam, Áo Trắng hay Nhịp Cầu Đầu Tư. Sau này cùng với một người bạn, cô thành lập một trang báo mạng mang tên Tạp chí Hương Việt với ước mong rằng Hương Việt sẽ là chiếc cầu nối ngắn nhất để cho những người con xa xứ xích lại gần nhau hơn.

 

“Thời gian đầu chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, bởi không ai trong chúng tôi được đào tạo về báo chí. Thêm vào đó là lịch học và lịch làm thêm dày đặc, chồng chất lên nhau, nhưng với ước mơ, níu quê hương trở lại thêm gần“  Hoàng Yến Anh nhớ lại. Vượt qua tất cả, tạp chí Hương Việt tôi đã đạt được những thành công đáng kể.

 

Cùng chia sẻ về vấn đề đi hay ở của DHS, Hoàng Yến Anh bộc lộ thẳng thắn rằng “Bản thân tôi nghĩ, trở về hay ở lại không quan trọng bằng việc bạn đã đóng góp được gì cho đất nước. Tôi nhớ có một câu nói của anh Vinh (cựu á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, từng du học ở Úc) mà tôi rất tâm đắc, đó là: “70% du học sinh không trở về, đó một con số không nhiều và cũng không ít. Nếu 30% quay trở về làm đất nước phát triển rực rỡ thì thế đã là quá đủ. 70% nữa quay trở về chỉ làm môi trường thêm chật chội. Nếu 30% đã quay về chẳng làm được gì hết thì 70% nữa quay về liệu có làm được gì không? Còn nếu cần nhiều hơn con số 30% quay về để phát triển đất nước thì không ai khác hơn chính nhà nước Việt Nam phải biểu hiện điều đó”.

Hai năm làm báo với tư cách là phóng viên của Tạp chí Hương Việt ở Đức, tích lũy cho mình được một số kinh nghiệm nghề nghiệp quí báu, Hoàng yến Anh thấy mình là người may mắn vì đã được đi trên một con đường với rất nhiều những đam mê bằng chính sự trải nghiệm của bản thân. Nghề báo không cho cô một nguồn thu nhập dù chỉ là một cent nhưng lại khiến cô trưởng thành lên rất nhiều sau mỗi chuyến đi, sau mỗi lần gặp gỡ, phỏng vấn, trao đổi, trò chuyện.

 

Báo chí là duyên số của cuộc đời

 

Kỉ niệm làm đáng nhớ nhất trong những ngày đi làm báo đó là lần phỏng vấn Lee Kirby , chàng trai xứ sương mù với những bài nhạc Việt đi vào không biết bao nhiêu trái tim của người Việt Nam. Sự thân thiện, dễ gần và hóm hỉnh  của Lee đã làm cho Hoàng Yến Anh càng yêu mến Lee hơn.

 

Hay những lần gọi điện phỏng vấn Kiều Khanh, sự thật thà đến dễ thương của Á hậu khiến Yến Anh ấn tượng mạnh. “Tôi gọi Kiều Khanh là “hoa hậu thật thà”, mà đúng là Khanh thật lắm, thật đến nỗi khi trả lời phỏng vấn tôi Khanh vẫn nói: “Em không được học tiếng Việt qua trường lớp nên trả lời phỏng vấn không hay, chị đừng có cười em nhé!”, Yến Anh vui vẻ kể lại.

 

Hạnh phúc với những ngày đang sống

 

Đó là lời gửi gắm của Yến Anh gửi tới các bạn DHS nói riêng và giới trẻ nói chung khi được hỏi cảm nghĩ của cô về DHS Việt Nam nơi xứ người. “Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam ở Đức phần lớn đều là những người rất ham học hỏi và có chí tiến thủ. Tuy nhiên họ cũng có những lối sống khá khác nhau, nhiều bạn vẫn giữ được lối sống rất thuần Việt nhưng cũng có không ít những bạn đã thực sự “tây hóa”. Ngoài ra tôi cũng thấy, đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Đức, quan điểm của họ về công việc cũng khác với các bạn trẻ ở Việt Nam rất nhiều.

 

Thay vì chọn một ngành “hot” để sau này dễ xin việc khi ra trường thì họ lại cho rằng sự hài lòng trong công việc quan trọng hơn là có công việc để kiếm thật nhiều tiền. Bản thân tôi cũng có suy nghĩa rằng cần phải sống hạnh phúc với những ngày đang sống, chứ không phải sống cô độc với sự giàu sang”.

 

 

Phương Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm