Hoàng Trần Cương - Người “Nghệ” nhất trong những người Nghệ

(Dân trí) - Nếu chọn một nhà thơ hay nhất xứ Nghệ và viết hay nhất về xứ Nghệ quê hương, tôi chọn Hoàng Trần Cương.

Nếu chọn một người yêu xứ Nghệ nhất, tôi chọn Hoàng Trần Cương. Nếu chọn một người mang tính cách Nghệ nhất, tôi chọn Hoàng Trần Cương. Và nếu chọn một nhà thơ hay nhất xứ Nghệ và viết hay nhất về xứ Nghệ quê hương, tôi chọn Hoàng Trần Cương. Với tôi, Hoàng Trần Cương “nghệ” nhất trong những người Nghệ mà tôi quen biết.

Người của ba dòng sông

Một điều không nhiều người biết, Hoàng Trần Cương sinh ra nơi xứ Nghệ nhưng anh lại được nuôi sống và lớn lên nhờ ba dòng sông. Sông Lam quê anh, sông Cầu của thời trai trẻ và sông Hồng, nơi anh từ chiến trường trở về giảng đường để rồi hôm nay, anh mất giữa Thủ đô Hà Nội vào những ngày sông Hồng yên ả nhất.

Hoàng Trần Cương sinh năm Mậu Tý, ở làng Đặng Lâm, Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An, một làng nhỏ bên bờ dòng sông trong Trường ca Trầm tích: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa - Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Con sông luôn sôi sùng sục để tiếng khóc chào đời của Hoàng Trần Cương chìm nghỉm trong tiếng kêu gào chạy lụt của dân làng.

Lên 7 tuổi, cậu bé Cương theo bố ra Hà Nội học tiểu học ở đình Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, sát cạnh sông Hồng. Hết 4 năm tiểu học, sang cấp II, anh lại quay về học ở làng Đặng Sơn để rồi 3 năm sau đó, anh ra Hà Nội và theo cơ quan của ông cụ thân sinh (Tổng cục Thuỷ sản) sơ tán về Quế Võ, Bắc Ninh, nơi có con sông Cầu của các làng Quan họ để học cấp III.

Có lẽ vì có một tuổi thơ gắn chặt với Sông Lam, Sông Hồng và Sông Cầu nên trong tính cách của mình, Hoàng Trần Cương luôn bị các dòng sông “ám” như ma ám. Sông Lam đã cho anh sự quyết liệt và ý chí quật cường. Sông Hồng đã bồi đắp cho anh tầng phù sa trí tuệ và sông Cầu đã cho anh sự hào hoa và tinh tế của tâm hồn thi sĩ.

Hoàng Trần Cương - Người “Nghệ” nhất trong những người Nghệ - 1

Nhà thơ Hoàng Trần Cương vừa qua đời chiều ngày 9/4 tại Hà Nội.

Chàng sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”

Đang học năm thứ tư trường Đại học Tài chính - Kế toán - Ngân hàng (nay là Học viện Tài chính quốc gia), như nhiều sinh viên ở thời điểm đó, Hoàng Trần Cương ba lần viết đơn nhập ngũ. Hai lần đầu, anh dùng chính máu của mình để viết nhưng đều không được chấp nhận. Lần thứ ba, anh viết bằng bút máy hiệu Trường Sơn, bơm mực Cửu Long lại thành công. Chàng sinh viên Hoàng Trần Cương “xếp bút nghiên ra trận”, một phong trào sục sôi thời điểm đó.

Rời ghế gỗ của giảng đường đại học, anh nhảy tót lên chiếc ghế sắt của sư đoàn pháo cao xạ 367. Sư đoàn Anh hùng này có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô ở cửa ngõ Lạng Sơn. Tại đây, Hoàng Trần Cương đã tham gia nhiều trận đất đối không rất ác liệt. Cuối năm 1970, Sư đoàn 367 được điều chi viện cho Bản Đông - Nam Lào (phía quân đội Sài Gòn gọi là Lam Sơn 719), một chiến dịch lớn trong lịch sử quân đội ta.

Trong một trận đánh rất ác liệt, anh bị thương vào đầu, phải về Quân y viện Tiền phương điều trị. Vết thương chưa lành, anh lại cùng đơn vị tham gia chiến dịch 81 ngà đêm Quảng Trị. Chiến dịch kết thúc, đơn vị anh lại được cấp tốc điều ra Lạng Sơn để canh cửa ngõ phía Đông bắc Hà Nội trong những ngày Điện Biên Phủ trên không. Tháng 2/1975, Hoàng Trần Cương cùng đơn vị đi trong đoàn quân tiến về Sài Gòn.

Nhà thơ nghèo và bịch vàng lá Kim Thành

Chiến tranh kết thúc, Hoàng Trần Cương về Học viện Tài chính học nốt năm cuối cùng. Ra trường, anh vào Sài Gòn tham gia cải tạo tư bản tư nhân với cương vị Phó đoàn Cải tiến công tác quản lý của Bộ Tài chính khu vực phía Nam. Với tư cách cán bộ phúc tra, anh phải xem xét lại hầu hết các bản kê thuế của các doanh nhân có máu mặt ở Sài Gòn thời đó.

Có lần sau khi rà soát để tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp cho một nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng ở Sài Gòn mà trước đó làm chưa chính xác, ông này đã cho cô con gái mang đến tận phòng biếu Hoàng Trần Cương một bao mỳ nhãn hiệu Hai tôm loại 5kg giữa lúc anh đang cùng người bạn văn chương là Nhà thơ Trần Ninh Hồ bụng đói meo vừa ngâm thơ vừa xơi rượu nhạt.

Chờ cho khách đi khuất, hai “vĩ nhân” lao vào “hành quyết” bọc mì tôm mới tá hoả khi thấy một bít tất đầy vàng lá Kim Thành. Thế là anh lính nhà quê bỏ cả bữa rượu đem đến tận nhà trả lại trong sự ngạc nhiên đến sững sờ của gia chủ.

Cách đây mấy năm, khi nghe Hoàng Trần Cương kể lại chuyện này tại quán bia 146 Phố Vọng, tôi hỏi: “Bác có bao giờ hối hận không?”. Hoàng Trần Cương nhìn thẳng vào tôi, nói rành rọt: “Không. Nếu lấy số vàng ấy, hoặc là tôi sẽ giàu nhất trong đám nhà văn thời đó hoặc là sẽ rũ tù trong khám Chí Hòa. Mà dù kết quả thế nào, tôi cũng sẽ không được là tôi của hôm nay”.

Phóng viên kinh tế thai nghén “đứa con văn chương”.

Năm 1981, Hoàng Trần Cương về Bộ Tài chính, được cử về báo Lương thực Việt Nam với cương vị kế toán trưởng. Đây là thời kỳ Hoàng Trần Cương phát huy cao nhất tố chất của một nhà tài chính. Anh đã cùng lãnh đạo tòa soạn đưa Lương thực Việt Nam trở thành tờ báo đầu tiên trong làng báo Việt Nam hạch toán độc lập và kinh doanh đa ngành nghề, một điều hết sức mới mẻ vào thời điểm đó.

Với danh nghĩa làm kế hoạch ba, tòa báo buôn đủ mọi thứ, từ sắt vụn, giấy, sách vở học sinh đến gạo, cám… Có lần Hoàng Trần Cương suýt bị ra tòa vì tội buôn giấy. Đây là những năm tháng Hoàng Trần Cương suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều về thế thái nhân tình, về giá trị của đồng tiền, đặc biệt là về chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội… Thời gian này, anh thai nghén Trầm tích, một trường ca đặc sắc sau Đổi mới.

Cuối năm 1993, Bộ Tài chính chủ trương xuất bản tờ Thời báo Tài chính Việt Nam. Những người bạn cũ ở Văn phòng Bộ chợt nhớ đến tay viết lách Hoàng Trần Cương và rủ rê anh về làm việc cho tờ báo này. Không do dự, anh lập tức bỏ nghề kế toán, về đầu quân cho Thời báo Tài chính với tư cách phóng viên.

Những tác phẩm báo chí nảy lửa như “Luồng và cảng, Ta phong tỏa mình, Tiền mất tật mang”… đánh mạnh vào cơ chế quản lý, điều hành lấn lướt, bao sân với những tàn tích của thời bao cấp, trói buộc các doanh nghiệp đã gây tiếng vang lớn trong dư luận khi đó. Những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu thời điểm đó như những vụ việc khuất tất ở sở Giao thông Công chính Hà Nội, Cục thuế Ninh Bình, Thương vụ 5,4 tỉ đồng và liên danh ma quỉ… đã thể hiện sự dũng cảm đương đầu, rất lính chiến của Hoàng Trần Cương.

Thế nhưng làm phóng viên chưa được 1 năm, Hoàng Trần Cương lại chuyển sang làm Trưởng phòng trị sự để 2 năm sau, lên Phó Tổng biên tập và đến đầu năm 2003, anh được bầu làm Tổng biên tập trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm công khai...

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt… tình yêu

Hoàng Trần Cương hay kể về những vụ “suýt tù” của anh như vụ buôn giấy, vụ mua sắt vụn, máy ông lính cưa nhầm cả.. xe tăng. Thế nhưng có một “tội” khiến Hoàng Trần Cương bị “tù” thật, mà rất có thể là án chung thân. Đó là vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt... tình yêu”.

Khi còn làm TBT tờ Tin sư đoàn ở Lạng Sơn, Hoàng Trần Cương hay về Quế Võ nơi gia đình anh sơ tán. Chàng Trung sỹ pháo cao xạ đem lòng thương nhớ một cô giáo cấp ba của một làng Quan họ. Không biết bao nhiêu lần, anh lính dày dạn, dũng cảm ngoài trận mạc Hoàng Trần Cương run rẩy trước cổng Trường phổ thông Bằng An - Quế Võ.

Và dù không biết bao nhiêu lần hạ quyết tâm, người lính trận Hoàng Trần Cương vẫn không đủ dũng cảm để qua mặt thầy hiệu trưởng nổi tiếng nghiêm khắc của trường.

Một hôm, lấy hết can đảm, Hoàng Trần Cương xông thẳng đến phòng thầy hiệu trưởng, chìa thẻ cộng tác viên của báo Quân đội Nhân dân xin làm việc với trường về công tác tự vệ của nữ giáo viên. Nhìn chàng Trung sỹ mặt lạnh như tiền, thầy giáo già đầy tin tưởng, cho tập hợp toàn bộ các cô giáo đứng xếp hàng nghe anh bộ đội “phổ biến tình hình chiến sự”.

Đến cuối buổi, bỗng “nhà báo nhớn” yêu cầu gặp gỡ một nữ tự vệ tiêu biểu và không chờ giới thiệu, anh đến chỉ vào một cô giáo hoa khôi của trường mời lên phòng để phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn diễn ra khoảng 7 phút chỉ với ba câu hỏi mà không có câu trả lời:

  • Cô có lấy tôi không?
  • …!
  • Tôi hỏi lại, cô có lấy tôi không?
  • …!
  • Cô không lấy tôi thì cô là con.... chợt thấy mặt cô giáo ửng đỏ, Hoàng Trần Cương giật mình. Đang bí thì rất may là khi đó, bỗng nhìn thấy chú chuột nhắt leo thoăn thoắt trên mái nhà, Hoàng Trần Cương chữa vội - Thì cô là... con chuột.

Chẳng biết có phải lo sợ bị… biến thành chuột vì lời nguyền của “nhà báo nhớn” hay không mà ít ngày sau đó, một hôn lễ khá hoành tráng giữa chàng “nhà báo nhớn” với cô giáo trẻ. Và từ đấy, Hoàng Trần Cương bị “cầm tù chung thân”. Gần gũi anh cả chục năm nay, đi nhậu với anh hàng trăm lần nhưng chưa thấy lần nào anh không nhắc đến vợ. Khi thì “Chị Chè (Phan Thị Chè) mày bảo…”. Lúc lại “Con mụ Chè vợ tao, chị mày ấy, nó bảo…”.

 Người lính 30 năm không ra khỏi chiến tranh

Từ hàng chục năm trước, Hoàng Trần Cương đã hay có thói quen “tính sổ” cho mình và bao giờ ông chuyên viên kinh tế cao cấp này cũng tính rằng anh đã lãi. Mà kiểu tính của anh thì anh lãi thật, rất lãi bởi anh so với… những đồng đội đã chết ở chiến trường năm xưa: “Mẹ ơi! Lẽ ra con cũng đã như bao đồng đội - Khi đất nước mình trận mạc - Những ngày sống bây giờ - Dẫu còn phần lấm láp - Nhưng với con kể như là lãi... Vâng có thể là con cũng như bao người lính - Cầu mong đất nước mình - Thôi gặp họa chiến chinh - Những ngày con đang sống bây giờ - Kể như là lãi...”- Trích Trường ca Đá đỏ.

Phải nói ở một khía cạnh nào đó, Hoàng Trần Cương lãi lớn. Nói như lời bộc bạch của anh là “đã hưởng đủ lộc giời”. Với tư cách nhà thơ, anh nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà Trầm tích (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2000) còn được coi là “Trường ca hay nhất kể từ sau đổi mới” (lời thi sĩ Hoàng Cầm). Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Anh và được quảng bá ở nhiều nhà hàng, tiệm ăn nơi nước Pháp.

Là nhà báo, anh làm đến chức Tổng biên tập một tờ báo lớn của một ngành lớn.

Là nhà tài chính, anh là chuyên viên cao cấp. Thế nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy Hoàng Trần Cương vẫn là người lính, mãi mãi là người lính. Một gã binh nhì mà hơn 30 năm rồi vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến tranh.

Hai điều thiệt thòi của thi sĩ tài hoa

Nhìn lại cuộc đời của thi sĩ Hoàng Trần Cương, cá nhân tôi thấy có hai điều anh bị thiệt thòi.

Cách đây mấy năm, dịp Nhà nước trao tặng Giải thưởng 5 năm cho các văn nghệ sĩ, rất nhiều người đều nghĩ với tài năng và sự đóng góp cho nền Văn học nước nhà, anh chắc chắn đến 101% đoạt Giải thưởng Nhà nước.

Thế nhưng không hiểu sao ngày công bố, lại không thấy có tên anh. Sau này, thấy báo chí nói là do anh… không đủ phiếu.

Thiệt thòi thứ hai, anh ra đi giữa những ngày dịch giã, cả nước thực hiện cách ly. Chắc chắn nhiều bè bạn và độc giả quý mến anh mà đành “bái vọng”.

Xin thắp nén hương thơm gửi tới hương hồn một người anh, một thi sĩ tài hoa mà tôi mến yêu và kính trọng.

MIỀN TRUNG

Hoàng Trần Cương

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa

Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam.

 Miền Trung

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn

Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng

Những đứa con văng như mảnh đạn

Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi.

Miền Trung

Đã bao đời núi với bể kề đôi

Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ

Nóng hổi như vừa lăn xuống

Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm.

Miền Trung

Câu Ví Dặm nằm nghiêng

Trên nắng và dưới cát

Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người.

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về

Đừng để mẹ già mong.

HTC

(5-1990)

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám