Họa sĩ Trịnh Lữ ra mắt sách về cha: Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương

Tô Sa

(Dân trí) - Cuốn sách như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương của tác giả Trịnh Lữ sẽ được Công ty Omega Plus phát hành trong tháng 7 này.

Tác phẩm là trọn vẹn tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha ông - cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Cuốn sách với gần 400 trang khổ lớn, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ, hành trình ấy của ông cứ miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao là thiền họa.

Họa sĩ Trịnh Lữ ra mắt sách về cha: Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương - 1

Bìa sách "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương" (Ảnh: Omega Plus).

Cuốn sách gồm các phần:

- Cuộc đời và sự nghiệp: Tuổi thơ, Lập thân, Học nghề, Cách mạng và Chiến Tranh, Cuộc đời mới…

- Di sản đặc biệt: Tác phẩm từ thời sinh viên, Đồ gỗ Mémo, Tác phẩm minh họa, Tranh sơn ta, Từ Ấn tượng đến Thiền họa…

- Bình luận, tưởng niệm: Cảm tưởng, Một số trích đoạn báo chí, Thư gửi thầy giáo…

Đi từ dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh văn hóa - xã hội, tác giả đã khắc họa khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, họa sĩ Trịnh Lữ còn nêu bật những đóng góp của ông Ngọc cho quê hương trong giai đoạn từ chiến tranh đến xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.

Họa sĩ Trịnh Lữ ra mắt sách về cha: Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương - 2

"Đồ gỗ Mémo" - một trong các phần của tác phẩm (Ảnh: Omega Plus).

Được đào tạo về hội họa tại Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sự sáng tạo cá nhân vào cách vẽ và nghiên cứu.

Độc giả sẽ thấy rằng sự nghiệp của ông gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.

Sự nghiệp của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đặc biệt được dẫn dắt xuyên suốt bởi tư tưởng chân - thiện - mỹ, mà tiêu biểu là cách thực hành thiền họa "mắt nhìn tay vẽ".

"Ngay việc khắc họa những bộ bàn ghế để sản sinh ra sản phẩm đã xứng đáng ghi danh ông là người có tài. Tên tuổi ông Trịnh Hữu Ngọc, chủ xưởng mộc Mémo chuyên sản xuất bàn ghế kiểu mới mà mọi người đều biết đến. Riêng tôi tâng bốc ông lên làm vua", Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm nhận xét.

Họa sĩ Trịnh Lữ, 75 tuổi, tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang.

Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật, tư vấn truyền thông phát triển và đều đạt được những thành tựu lớn. Nhưng nghề vẽ đối với Trịnh Lữ như hơi thở trong cuộc sống của chính gia đình ông.

Ông luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.

Nhân dịp phát hành, và đặc biệt nhân kỷ niệm ngày giỗ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, Omega Plus tổ chức buổi tọa đàm và giới thiệu cuốn sách "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương".

Sự kiện nhằm giao lưu, kết nối với tác giả Trịnh Lữ và những diễn giả là các chuyên gia trong làng hội họa Việt Nam, giúp độc giả hiểu hơn về tác phẩm này.

- Thời gian: 9h30-11h30, ngày 7/7.

- Địa điểm: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội

- Diễn giả: Họa sĩ, tác giả Trịnh Lữ; Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phạm Long; Họa sĩ, Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế; Họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

- Người điều phối: Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông.