"Hà Nội tôi yêu" thu nhỏ trong nét bút của họa sĩ lão thành 93 tuổi
(Dân trí) - Với cuốn sách "Hà Nội tôi yêu" lần này, họa sĩ Ngọc Linh đã nói hết tình cảm của mình với Thủ đô yêu dấu.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 93 của mình, sáng 5/10 vừa qua, họa sĩ Ngọc Linh đã cho ra mắt cuốn sách Hà Nội tôi yêu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Cuốn sách được ví như "Hà Nội bỏ túi", bao gồm 134 bức tranh vẽ phong cảnh và phố xá thủ đô.
Đặc biệt, những bức tranh được họa sĩ lão thành sáng tác vào năm 1991, khi ông ở độ tuổi 60 sung mãn với sự nghiệp. Các tác phẩm được trực họa bằng chất liệu sơn dầu trên bề mặt những tờ xổ số tiết kiệm, có 2 kích thước 7x10 cm và 10x14 cm (bằng 2 tờ ghép lại).
Những ngày tháng ấy, với bộ đồ vẽ bé xíu mà đầy đủ bút, màu, dầu pha…, ông cứ rong ruổi trên chiếc xe đạp mini đi khắp các ngõ ngách và vẽ lại những góc nhỏ thân quen của Hà Nội.
Tại buổi lễ, nghệ sĩ điêu khắc, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Du lịch & Thể thao, Vương Duy Biên bày tỏ: "Tôi đã được xem tranh của họa sĩ Ngọc Linh từ vài chục năm trước và điều ngạc nhiên là đến bây giờ các tác phẩm vẫn trẻ như thế.
Rất nhiều họa sĩ đã thành công với dòng tranh vẽ về Hà Nội nhưng tranh của họa sĩ Ngọc Linh vừa tươi mát, rực rỡ, vừa chứa đựng sự cổ kính, hoài niệm".
Còn đối với họa sĩ Trịnh Lữ, những tác phẩm trong cuốn Hà Nội tôi yêu tiêu biểu cho bản chất dân gian đương đại. Ông cho hay: "Những bức tranh này chẳng lệ thuộc vào khuôn vàng thước ngọc nào nhưng ngay cả những nét vẽ cành cây của họa sĩ Ngọc Linh vẫn chứa đựng sự khác biệt.
Tôi rất mừng vì khi ta hội nhập với thế giới, những bức tranh của anh vẫn là nguồn suối tươi mát của nghệ thuật nước nhà. Đấy là giá trị đặc biệt của riêng anh Ngọc Linh".
Họa sĩ Ngọc Linh (tên thật là Vi Văn Bích, SN 1930) đến với nghệ thuật một cách tình cờ. Trong một buổi đi chơi ở Thái Nguyên, ông đã gặp họa sĩ Trần Văn Cẩn đang đi vẽ. Nhân tiện, ông biết được lớp mỹ thuật kháng chiến đang tuyển sinh và thầy Tô Ngọc Vân sẽ đứng lớp nên ông đã quyết tâm theo đuổi hội họa.
Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ Ngọc Linh công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam từ năm 1955 cho đến khi nghỉ hưu. Ông phụ trách thiết kế cho nhiều bộ phim nổi tiếng như Vợ chồng A Phủ (1972), Chung một dòng sông (1959), Sao tháng Tám (1976)...
Năm 1993, ông được phong danh hiệu NSƯT. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam và từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cả trong nước và quốc tế…