Hoạ sĩ Thành Chương trần tình việc xây dựng Việt Phủ trái phép trên đất rừng

(Dân trí) - Hoạ sĩ Thành Chương, chủ nhân của Việt Phủ Thành Chương chia sẻ, dù có nhiều thông tin cho rằng khu đất rộng 8000m2 mà ông xây dựng Việt Phủ Thành Chương nằm trong khu đất của rừng đặc dụng và việc xây dựng chưa được cấp phép nhưng bấy lâu vợ chồng ông không lên tiếng vì nghĩ việc lên tiếng không giúp ích được gì.

Không xây dựng trái phép trên đất rừng

Mới đây, Việt phủ Thành Chương đã tổ chức kỷ niệm 15 năm ra đời. Hàng chục Đại sứ các nước như: Thụy Điển, Mỹ, Anh, Úc, Canada, Israel, Áo, Hy Lạp, Urugoay v.v…. cùng phu nhân, tham tán văn hóa các nước tại Hà Nội, các nghệ sĩ, họa sĩ hàng đầu và bạn bè đã đến chúc mừng vợ chồng họa sĩ Thành Chương nhân sự kiện này.

Việt Phủ Thành Chương là công trình tư nhân do họa sĩ Thành Chương tự gầy dựng nên từ năm 2001. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, thuộc địa phận xã Hiền Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều năm qua không gian lưu trữ văn hóa này trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn bè trong nước và quốc tế.

Một góc của Việt Phủ Thành Chương.
Một góc của Việt Phủ Thành Chương.

Điểm nổi bật trong quần thể kiến trúc ở đây là những ngôi nhà được thiết kế, xây dựng với nhiều phong cách, hình dáng khác nhau từ ngôi nhà sàn của dân tộc Mường đến nhà ngôi nhà mô phỏng theo lối kiến trúc nhà 3 gian của người dân đồng bằng Bắc Bộ… Mỗi nhà có một tên gọi riêng gắn liền với giá trị lịch sử mà chủ nhân muốn truyền tải như nhà Tường Vân là gian nhà cổ có từ thời nhà Nguyễn, nhà Đại Khoa được dựng lên dựa trên khuôn viên của nhà cổ khu vực Bắc Ninh, nhà hát Long Đình được trang trí công phu. Bộ sưu tập của Việt phủ Thành Chương hiện chia thành hai phần, đó là bộ sưu tập đồ sứ thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam, Lý - Trần - Lê - Nguyễn và sưu tập các đồ văn hóa đời sống, sản xuất, tâm linh.

Tính đến thời điểm hiện tại, không gian Việt phủ Thành Chương đã có hơn 2.000 linh vật “100% thuần Việt”, do chính tay họa sĩ Thành Chương tự “mày mò” sưu tập.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính thì đây là những sưu tập đồ cổ, thiên về tiêu chí cổ, hiếm, đẹp. Không hiểu bằng công sức cùng tiền của nào mà họa sĩ Thành Chương đã phát hiện và thu gom về đây cả một khối lượng ghê gớm những tài sản văn hóa như thế.

Tuy nhiên, cách đây không lâu, có nhiều thông tin cho rằng công trình này xây dựng trái phép trên diện tích 800m2 thuộc khu đất rừng đặc dụng. Ngay khi thông tin này rộ lên, vợ chồng họa sĩ Thành Chương vẫn chưa có bất kỳ phát ngôn chính thức nào về điều này. Theo bà Ngô Hương, phu nhân họa sĩ Thành Chương kiêm Giám đốc điều hành Việt Phủ Thành Chương thì thời điểm đó công trình đang xây dựng và đều đã có giấy tờ hợp pháp nên vợ chồng bà không muốn nói gì trên báo mà tập trung cho việc xây dựng.

Vợ chồng họa sĩ Thành Chương và hai con trước công trình mà ông bà đã lao tâm khổ tứ để gầy dựng.
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương và hai con trước công trình mà ông bà đã lao tâm khổ tứ để gầy dựng.

Nhân sự kiện mừng 15 năm ra đời của Việt Phủ Thành Chương, họa sĩ Thành Chương chia sẻ rằng: “Về thông tin Việt Phủ Thành Chương xây dựng trái phép trên khu đất rừng đặc dụng trước nay chúng tôi không có ý thanh minh gì nhưng hôm nay tôi sẽ thông báo chính thức luôn: khu đất của Việt Phủ Thành Chương hiện tại không phải là đất rừng và thông tin nói Việt Phủ Thành Chương xây dựng trên đất rừng đặc dụng là không chính xác. Đây là vùng đất, nằm giữa ranh giới rừng đặc dụng với đất thổ cư.

Ngay phía sau khu đất của Việt Phủ là rừng và phía trước mặt là đất thổ cư, còn khoảng đất của Việt Phủ chính là khoảng đất lưu không, hoang hoá… Nếu ai xem các ảnh chụp lại thời kỳ đầu Việt Phủ xây dựng thì hoàn toàn là một vùng đồi hoang trọc, không phải rừng cũng không phải thổ cư. Trước đây, chính quyền có vận động người dân phủ xanh đồi trọc hoang hóa như thế này.

Tuy nhiên, theo quy định máy móc và cứng nhắc của chính quyền là chỉ được trồng keo và bạch đàn cho nên bao nhiêu năm trời vùng đất này vẫn hoang hoá, trồng hai giống cây này không mang lại nhiều lợi ích kinh tế nên người dân không trồng. Và đã từ lâu rồi, đất này đã được Nhà nước chuyển đổi thành đất vườn quả chứ không còn là đất rừng nữa. Khi đã chuyển đổi thành đất vườn quả thì đất hoang hóa này không bắt dân trồng cây keo và cây bạch đàn nữa. Người dân có thể tự trồng những thứ cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Tượng Phật cổ dưới gốc cây cổ thụ mang nét nghệ thuật tinh tế và cảm giác bình yên cho người chiêm ngưỡng.
Tượng Phật cổ dưới gốc cây cổ thụ mang nét nghệ thuật tinh tế và cảm giác bình yên cho người chiêm ngưỡng.

Nói chúng tôi xây dựng trái phép cũng xin thưa rằng, ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, bán sơn địa… thì không đâu bắt buộc phải xin phép khi xây dựng nhà cấp 3, cấp 4 như thế này. Việc đó bấy lâu nay ở đây chưa hề có tiền lệ phải xin cấp phép xây dựng”.

Không dám đăng ký là bảo tàng tư nhân

Mặc dù nhiều năm qua, Việt Phủ Thành Chương là điểm đến hấp dẫn của đông đảo người dân trong và ngoài nước nhưng có một điều rất lạ là ông chủ Việt phủ Thành Chương lại không dám nhận đây là một bảo tàng tư nhân. Theo họa sĩ Thành Chương, để biến một nơi vốn trước đó chỉ được xây dựng nhằm mục đích tạo nên không gian riêng của gia đình trở thành bảo tàng tư nhân có vô số những vấn đề nan giải.

Đơn cử, theo qui định hoạt động hiện nay phải có hướng dẫn thuyết minh vốn là yêu cầu cơ bản nhất của mỗi bảo tàng. Bởi mục đích ban đầu của Việt phủ Thành Chương khi mở cửa cho du khách tham quan đó là để mọi người tự cảm nhận các giá trị văn hóa. Hay việc kêu gọi đầu tư với gia đình họa sĩ Thành Chương cũng là một sự cân nhắc khá kỹ lưỡng. Năm 2009, khi mở cửa bán vé, Việt phủ đã gặp không ít ý kiến băn khoăn và cả sự chê trách.

Trong khuôn viên rộng 8000m2 không chỉ có những mái nhà thuần Việt mà còn có cả thủy đình biểu diễn rối nước.
Trong khuôn viên rộng 8000m2 không chỉ có những mái nhà thuần Việt mà còn có cả thủy đình biểu diễn rối nước.

Về điều này, họa sĩ Thành Chương cho rằng Việt phủ chỉ nhằm mục đích tự nó nuôi nó, thay vì được gia đình “nuôi”. Vì thế nên dù có kêu gọi đầu tư, nhưng họa sĩ Thành Chương cho biết sẽ không dễ dãi trong việc tiếp nhận sự chung tay. Mà ở đây phải là sự hợp tác của các tổ chức văn hóa, các cá nhân có nguồn lực mạnh về kinh tế nhưng cùng tiếng nói và sự hiểu biết về tầm quan trọng của giá trị văn hóa với tinh thần người Việt.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc thu vé vào cửa, nhạc sĩ Anh Quân, người em thân thiết của vợ chồng họa sĩ Thành Chương nhanh chóng đỡ lời rằng, anh nhiều lần nói chuyện với họa sĩ Thành Chương nên hiểu được công trình này ngay từ đầu không phải là công trình để kinh doanh nhưng xuất phát từ nhu cầu của chính những người đến tham quan nên mới mở cửa đón khách.

Cũng theo nhạc sĩ Anh Quân, ông chủ của công trình này thậm chí đã phải đào một cái hầm để có không gian cho riêng mình khi nó trở thành một điểm du lịch. Và đến nay cái hầm đó cũng phải biến thành điểm tham quan vì khách nào đến cũng tò mò vào xem. Thấy bất tiện chủ nhà đã biến không gian này thành điểm tham quan rồi quay lại nội thành sống trong một căn hộ chung cư khác. Bởi những lí do đó mà cho đến bây giờ nơi đây vẫn chưa xác định được tên gọi chính xác hoặc chủ nhân không muốn đăng ký thành bảo tàng tư nhân.

Ca sĩ Mỹ Linh cho hay, Việt phủ Thành Chương là cố gắng đơn độc của vợ chồng Thành Chương. Tuy nhiên, trên đường dài đi một mình sẽ có lúc họa sĩ oải vì không thể một mình để duy tu công trình này được. Nhưng không vì thế mà vợ chồng họa sĩ Thành Chương dễ dãi chấp nhận những điều kiện không hợp lý để được đầu tư.

Ca sĩ Mỹ Linh trò chuyện với khách đến dự tiệc mừng sinh nhật 15 năm Việt Phủ Thành Chương.
Ca sĩ Mỹ Linh trò chuyện với khách đến dự tiệc mừng sinh nhật 15 năm Việt Phủ Thành Chương.

Trong bài phát biểu nhân dịp sinh nhật 15 năm của Việt Phủ Thành Chương, bà Camila Mellander - Đại sứ Thụy Điển đã có những chia sẻ đầy xúc động thể hiện sự trân trọng và sự yêu mến của bà đối với công trình lưu giữ văn hóa có một không hai này. Bà nói, Việt Phủ Thành Chương là điểm đến mà bà thường giới thiệu với bạn bè từ Thụy Điển tới Hà Nội. Thực tế, địa điểm này đã được đưa vào giới thiệu trang tour du lịch Việt Nam và một số ấn phẩm du lịch khác của Thụy Điển.

Bà cũng nhắc lại kỷ niệm đã trở thành dấu ấn trong lịch sử của Việt Phủ Thành Chương, khi hơn chục năm trước đây, Hoàng hậu Thụy Điển và phái đoàn Hoàng Gia đã trở thành vị khách quốc tế cao cấp đầu tiên xông đất Việt Phủ. Và sau này trở thành địa chỉ tham quan văn hóa Việt yêu thích của những người nước ngoài làm việc tại Hà Nội. Bà luôn muốn quay lại nơi này và bày tỏ sự cảm ơn trân trọng vì những gì họa sĩ và vợ ông đã làm để mọi người có thể được thưởng thức một công trình văn hóa di sản tuyệt vời như thế.

Cảm giác bình yên là cảm nhận chung của bất kỳ ai khi đặt chân đến không gian này.
Cảm giác bình yên là cảm nhận chung của bất kỳ ai khi đặt chân đến không gian này.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm