Họa sĩ 8X "kể" chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh

Hà Hiền

(Dân trí) - Lấy ý tưởng từ câu chuyện của các y, bác sĩ trong tâm dịch, họa sĩ Bùi Đình Thăng đã chuyển thành những bức tranh hoạt hình, như lời cảm ơn gửi lực lượng tuyến đầu chống Covid-19.

Bùi Đình Thăng là họa sĩ tự do ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh. Anh nổi tiếng trong cộng đồng mạng với trang Fanpage Thăng Fly Comics thường xuyên đăng tải những câu chuyện thường nhật dưới góc nhìn hài hước và đáng yêu.

Anh Thăng cho biết, những ngày này chung cư nơi anh đang sinh sống cũng có nhiều F1 đã phải đi cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm ban đầu đều âm tính với SARS-CoV-2.

"Tôi đứng trên nhà nhìn xuống thấy đường sá vắng vẻ, hàng quán xung quanh đóng cửa. Không còn cảnh người dân chạy bộ sáng sớm hoặc chiều tối", anh Thăng nói.

Bộ tranh hoạt hình được anh Thăng lấy ý tưởng từ câu chuyện của các y bác sĩ trong tâm dịch, chuyển thành tranh hoạt hình. Đó là những nhân viên y tế đi lấy mẫu, có người bị kiệt sức ngất xỉu, đội ngũ y, bác sĩ từ các tỉnh chi viện tâm dịch và cả những hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm của người dân.

Họa sĩ Bùi Đình Thăng kể, mỗi ngày có hàng chục tin nhắn gửi về cho anh cùng những câu chuyện, bức ảnh rất xúc động ở tâm dịch. Sau khi nhận được những bức ảnh đó, anh lựa chọn câu chuyện ấn tượng nhất và liên hệ với tác giả, hoặc xác minh thông qua bài báo, tivi để chuyển tải câu chuyện đó qua tranh.

Qua những bức tranh này, họa sĩ trẻ hy vọng mọi người sẽ hiểu và đồng cảm với những với vất vả của các y bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu mình không có chuyên môn và sức khỏe để ra tiền tuyến thì mình làm hậu phương, đơn giản như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập cũng là cách tiếp sức cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 1
Câu chuyện anh ấn tượng nhất là hình ảnh nam sinh viên 20 tuổi ngất xỉu khi đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Người bị ngất là nam sinh Phạm Trung Anh, sinh viên năm thứ 2, lớp Xét nghiệm 12B, trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Trước đó, vào ngày 25/5 khi đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang, Trung Anh bất ngờ ngất xỉu. Nơi lấy mẫu trong lán nhỏ lợp tôn, dưới cái nắng 40 độ, lưng và da của Trung Anh bỏng rát, mồ hôi đổ đầm đìa trong bộ bảo hộ kín mít.

Video này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự thương xót, đồng cảm với các y bác sĩ.

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 2
Một hình ảnh xúc động khác được họa sĩ Bùi Đình Thăng khắc họa là hình ảnh cậu bé 3 tuổi trong khu cách ly ở Việt Yên, Bắc Giang. Cả bố mẹ, anh, chị của em bé đều là F0 và đang được cách ly điều trị.

Bùi Đình Thăng chia sẻ: "Bức ảnh đăng tải ngày 1/6 như lời chúc ngày Quốc tế thiếu nhi đến em và những em bé khác đang phải cách ly".

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 3
Bức ảnh em bé Lào Cai bật khóc nức nở, ôm chầm lấy bố là bác sĩ xuống chi viện Bắc Giang. Mọi người dỗ dành mãi, em bé mới chịu để bố cùng đồng đội lên đường.
Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 4

Câu chuyện vui sau giờ làm việc của các bạn của trường ĐH Điều dưỡng Nam Định đang hỗ trợ ở tâm dịch được họa sĩ trẻ chuyển thành tranh. Sau khi lấy mẫu, mọi người tìm cho mình chỗ riêng để ngả lưng hoặc trêu đùa nhau để quên đi mệt mỏi.

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 5

Trong ảnh là Trung úy Tống Ngọc Kiên, Đội Cảnh sát giao thông huyện Yên Dũng đứng nghiêm trang chào các y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đến chi viện Bắc Giang.

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 6

Các học viên của Học viện Quân y lên đường chi viện Bắc Giang.

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 7

Nhân viên y tế và sinh viên tình nguyện xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trên xe ba gác được người dân chở vào tâm dịch.

Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 8
Bức ảnh kể về câu chuyện nhóm nhân viên y tế được người dân hỗ trợ đồ ăn, nước uống khi đang làm nhiệm vụ.
Họa sĩ 8X kể chuyện chống dịch Covid-19 bằng tranh - 9
Bùi Đình Thăng khắc họa hình ảnh người dân Quảng Bình không quản nắng nóng, miệt mài làm ruốc để gửi vào Bắc Giang khiến nhiều người ấm lòng.