Hòa nhạc “Điện Biên Phủ Concert” tại Hà Nội

(Dân trí) - Trong chương trình Hòa nhạc “Điện Biên Phủ Concert”, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ công diễn lần đầu tiên trên thế giới tác phẩm “Giao hưởng Điểm hẹn” của nhạc sỹ người Pháp gốc Việt- Nguyễn Thiện Đạo.

Tại buổi hòa nhạc, khán giả gặp lại nghệ sỹ  violin tài năng Bùi Công Duy, với bản giao hưởng thơ viết cho đàn violin và dàn nhạc “Poeme, Op. 25” được nhà soạn nhạc Ernest Chausson viết vào năm 1896.

Đặc biệt trong chương trình Hòa nhạc Điện Biên Phủ Concert, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ công diễn lần đầu tiên trên thế giới tác phẩm Giao hưởng Điểm hẹn của nhạc sỹ người Pháp gốc Việt- Nguyễn Thiện Đạo.

Hòa nhạc “Điện Biên Phủ Concert” tại Hà Nội

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ đem đến cho khán giả nhiều bất ngờ trong "Điện Biên Phủ Concert"

Giao hưởng Điểm hẹn (Thiên sử vàng ) ông vừa hoàn thành do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đặt viết cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến tích Điện biên, dài khoảng 25 phút và gồm 4 chương: Rồng Tiên : Bộ gõ và dàn dây với những phức điệu âm u, huyền bí đưa một dòng nhạc trữ tình từ đàn vibraphone ngân vang tượng trưng cho sự ra đời của con cháu Lạc hồng. Dàn nhạc từ từ vang dội rồi dàn dây lại trở về phức điệu huyền bí âm u.

Tình ca: Bắt đầu sáo ngân vang một giai điệu trữ tình, tiếp theo dàn violoncello với một câu bi hùng rồi dàn dây quyện nhau kết và bị bộ kèn đồng và bộ gõ cắt đứt.

Thời nô lệ : Dàn dây dày dặc từ trầm lên cao và các đàn khác vào từng khối mầu sắc khác nhau tượng trưng cho sự xâm lăng và thời nô lệ.

Điểm hẹn: Dàn nhạc từ từ dâng lên rồi  bay ngang dọc bầu trời để kết thúc trong khải hoàn bằng cụm nốt tonal rê giáng trưởng (ré bémol Majeur ).

Tác phẩm cuối cùng trong chương trình Hòa nhạc đặc biệt được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn là bản Giao hưởng số 3 Giao hưởng Anh hùng (Symphony no.3 Eb major Op.55 “Eroica”) của nhà soạn nhạc vĩ đại L.v. Beethoven.

Bản Giao hưởng Anh hùng đánh dấu sự trưởng thành của tác giả trong giai đoạn giữa của sự nghiệp sáng tác. Một thời kỳ gồm rất nhiều những tác phẩm hoành tráng chứa đựng chiều sâu cảm xúc và kết cấu âm nhạc chặt chẽ. Đây là bản giao hưởng được công nhận là một tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách âm nhạc cổ điển của những năm cuối thế kỷ 18, đồng thời, tác phẩm cũng cho thấy đặc điểm nổi bật của phong cách lãng mạn sẽ thống trị trong thế kỷ 19. Bản giao hưởng số 3 được bắt đầu viết ngay sau khi  bản giao hưởng số 2 hoàn thành vào tháng 8 năm 1804, và được trình diễn lần đầu tiên vào 7 tháng 4 năm 1805.

Chương trình Hòa nhạc Điện Biên Phủ Concert được dàn dựng công phu và trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt, chỉ huy chính người Nhật Bản- Honna Tetsuji diễn ra hai tối ngày 7-8/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội. 

Hà Thanh