Hoa hậu “tự phong”, Nam vương “tự xưng” sẽ bị xử lý thế nào?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi của NSƯT Xuân Bắc trong Hội nghị lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn diễn ra chiều 29/10 tại Hà Nội.

Có thể bị tước danh hiệu nếu vi phạm pháp luật và quy chế

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, sự thay đổi và phát triển của đời sống xã hội tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đòi hỏi nghị định mới thay thế Nghị định số 79/2012 và Nghị định 15/2016. Hai nghị định nêu trên bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật hiện nay.

Hoa hậu “tự phong”, Nam vương “tự xưng” sẽ bị xử lý thế nào? - 1

Từ trái qua phải: NSND Quang Vinh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông và ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) trong Hội nghị mới đây.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, 2 năm qua Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) tập hợp nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung để nghị định mới phù hợp đời sống hơn. Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD gồm 6 chương, 38 điều. Trong đó, một số nội dung được sửa đổi cho phù hợp với Luật và thực tiễn quản lý chính sách. 

Liên quan đến Khoản h, điều 6, chương I của dự thảo, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đơn vị được cấp phép tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu) sẽ phải thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho tổ chức, cá nhân đạt giải theo yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, quy chế tổ chức cuộc thi.

Điều này được cho là sẽ tháo gỡ vướng mắc của cơ quan chức năng, tránh xảy ra những lùm xùm “hậu” cuộc thi mà cơ quan quản lý văn hóa chỉ không thể xử lý được bởi chưa thiếu cơ sở pháp lý, như trường hợp Lê Âu Ngân Anh đăng quang ngôi vị “Hoa hậu Đại dương 2017” bị phát giác từng nâng mũi, vi phạm quy chế thi.

Trước đó, một số trường hợp người đẹp đạt giải cao tại các sân chơi sắc đẹp trong nước cũng có những hành vi bị cho là thiếu chuẩn mực hoặc bị phát hiện vi phạm quy chế thi người đẹp. Tuy nhiên, hầu hết đều không thể xử lý theo hình thức tước danh hiệu bởi BTC giải thể sau cuộc thi nên cho dù cơ quan quản lý văn hóa có đề nghị tước thì cũng không biết phải tước thế nào.

NSƯT Xuân Bắc - PGĐ Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, cần có cơ sở dữ liệu về các cuộc thi chính thống, có cơ sở đảm bảo để mọi người có thể tra cứu xem cuộc thi đó có phải thi “chui” hay không, danh hiệu đó có chính thức hay không. Và cần có chế tài cụ thể trong việc xử lý các trường hợp hoa hậu, nam vương “tự phong”, “tự xưng”… để tránh tình trạng “loạn danh hiệu” bùng phát như hiện nay.

Về vấn đề này, trong dự thảo cũng ghi rất rõ, cơ sở pháp lý để thu hồi danh hiệu, giải thưởng đối với cá nhân, tổ chức là “vi phạm quy định của pháp luật và quy chế tổ chức cuộc thi”. Với điều khoản này, đơn vị tổ chức không có lý do gì để chống chế là “không có căn cứ để chấp thuận hoặc không chấp thuận” khi cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu buộc phải thu hồi danh hiệu của thí sinh đạt giải.

Chương I của dự thảo lần này quy định rõ việc “không tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho người đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ biểu diễn hoặc thí sinh sử dụng danh hiệu đã bị thu hồi, danh hiệu đạt được do tham dự trái phép”.

Tuy nhiên, quy định này được cho là vẫn còn kẽ hở để lách luật. Bởi lẽ, nếu như thí sinh bị thu hồi danh hiệu hoặc danh hiệu có được từ việc “thi chui”, không được pháp luật công nhận, nhưng vẫn tham gia biểu diễn tại các chương trình, sự kiện với tư cách công dân, không gắn với danh hiệu thì có lẽ cơ quan quản lý văn hóa cũng khó mà xử lý.

Biểu diễn ở đâu phải xin cấp phép ở đó

Một vấn đề được nhiều chuyên gia và nhà quản lý quan tâm đó là việc kiểm soát tình trạng “xin cấp phép một nơi nhưng biểu diễn ở một nơi khác” như trường hợp chương trình Nữ hoàng hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng biểu diễn nghệ thuật (Sở VH&TT Hà Nội) đặt vấn đề, nên quy định rõ việc biểu diễn ở đâu xin cấp phép ở đó. Vì nếu cấp phép một nơi mà đi biểu diễn nhiều nơi khác sẽ rất phức tạp, khó kiểm soát. Bởi trong quá trình đơn vị tổ chức nếu xảy ra vấn đề gì thì phải về địa phương đăng ký hoạt động kinh doanh hoặc xin cấp giấy phép để xử lý. Và nếu làm theo cách mới thì nên bỏ khâu tiếp nhận thông báo mà được cấp phép ở đâu phải biểu diễn ở đúng nơi đó.

NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, theo quy định cũ, đơn vị tổ chức xin cấp phép ở một nơi nhưng lại có thể mang cuộc thi đó đi địa phương khác diễn. Tuy nhiên, để phân quyền và chia trách nhiệm cho các địa phương, dự thảo mới sẽ quy định rõ hoạt động nghệ thuật diễn ra ở địa phương nào phải xin phép ở địa phương đó.

Điều này xuất phát từ việc có những đơn vị cầm giấy phép xin ở địa phương khác đến một địa phương khác để tổ chức nhưng địa phương nơi tiếp nhận tổ chức không đồng ý vẫn không có quyền can thiệp.

“Dự thảo lần này nhiều thay đổi. Ví dụ “diễn ở đâu, xin phép ở đó”, tránh tình trạng địa phương phải tiếp nhận các chương trình, hoạt động không phù hợp.

Các đối tượng thuộc các doanh nghiệp, trong khoảng 50 ngành nghề kinh doanh có tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chúng tôi cũng muốn xác định áp dụng một số biện pháp, không phải tăng thêm điều kiện kinh doanh mà là thay đổi hình thức. Cục NTBD sẽ cấp giấy phép đủ điều kiện, giấy phép sẽ được công bố trên website chính thức công bố trên toàn quốc.

Khi có giấy đủ điều kiện, đến bất cứ địa phương nào thì địa phương đó chỉ cần tra mã số trên website, việc còn lại là xem nội dung chương trình… Nếu truy cập không được hoặc báo lỗi thì có nghĩa doanh nghiệp đó không đủ điều kiện hoạt động. Giấy này cũng sẽ được cấp, cấp đổi, thu hồi theo quy định”, NSND Quang Vinh nhấn mạnh.

NSƯT Xuân Bắc cũng góp ý thêm rằng, trên thực tế có đơn vị tổ chức vi phạm ở địa phương này, nộp phạt xong lại đi tỉnh khác tổ chức biểu diễn tiếp. Nếu có cơ sở dữ liệu thì sẽ quản lý việc này dễ hơn. Ví dụ 3 lần vi phạm thì tước giấy phép hoặc có chế tài nào khác.

Về quy định quyền, trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn, ông Nguyễn Văn Trực cũng cho rằng, Sở VH&TT Hà Nội từng xử lý rất nhiều trường hợp, có những đơn vị tổ chức để xảy ra chết người nhưng không thu hồi được giấy phép kinh doanh vì trong quy định không có. Nếu có quy định thì sẽ quản lý tốt hơn nên ông rất nhất trí phải có giấy phép về điều kiện kinh doanh.

Ông Trực cũng nhấn mạnh thêm rằng, trước đây, có quy định riêng của thành phố Hà Nội là phải có sự đồng ý của chủ cho thuê địa điểm tổ chức biểu diễn mới được biểu diễn. Sau đó ra Nghị định 79/2012 ra đời đã bỏ quy định này. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Sở VH&TT Hà Nội vẫn yêu cầu các đơn vị phải có giấy đồng ý từ chủ địa điểm tổ chức biểu diễn mới cấp phép vì có như vậy mới gắn được trách nhiệm khi có sự cố xảy ra, mặc dù Sở biết làm vậy bị cho là thừa về mặt thủ tục hành chính.

Đồng quan điểm, NSƯT Xuân Bắc cho rằng, cách đây không lâu, chương trình biểu diễn âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây đã để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Nếu có các đơn vị cho thuê địa điểm cũng phải được cấp phép tổ chức biểu diễn, tức là đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an ninh trật tự mới được phép để chương trình diễn ra, nếu không đủ điều kiện thì không được cấp phép, có như thế mới quản lý được.

“Nếu địa điểm không tổ chức thường xuyên thì ít nhất phải đáp ứng đủ điều kiện nếu cho thuê tổ chức một chương trình nào đó”, nghệ sĩ Xuân Bắc nhấn mạnh.

Hà Tùng Long