Hoa hậu phải ‘ngủ đẹp’, giảng viên phải chuẩn mực?
Khi chiếc điện thoại thông minh giơ lên, từ chuyện cô giáo mắng học sinh, cán bộ phanh áo khi tiếp dân, nhà sư lỡ lời, bác sĩ gác chân khi trực, hay hình ảnh bảo vệ cõng cán bộ trời mưa… đều có thể trở thành “tâm bão”.
Trong suốt 4 năm tôi sống ở Anh, khi tới những nơi công cộng vắng người cũng cảm thấy yên tâm hơn vì có hệ thống CCTV (camera công cộng) ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên cả tôi, nhiều nghiên cứu sinh quốc tế, cũng như rất nhiều người dân Anh tôi tiếp xúc đều nói rằng, CCTV thực sự ảnh hưởng tới hành vi nơi công cộng. Họ cảm thấy khó mà thoải mái vì một phần đời tư của họ bị lưu giữ với những rủi ro nhất định, dù đó là cái giá của sự an toàn.
Việt Nam đã bắt đầu lắp CCTV, chủ yếu để giám sát giao thông. Chúng ta đang sử dụng tối đa smart phone (điện thoại thông minh) để giám sát lẫn nhau. Tỷ lệ người dùng smartphone ở Việt Nam vượt tỷ lệ đô thị hóa. Theo Ericsson Mobility Report, tới năm 2018, tỷ lệ thuê bao smartphone ở Việt Nam sẽ lên khoảng 70%. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chúng ta có thể nói với cả thế giới chúng ta đang nhìn, nghĩ và làm gì.
Với những ồn ào và khủng hoảng truyền thông về hình ảnh cá nhân gần đây, trong thời đại số này, không chỉ các nhân vật của công chúng như hoa hậu phải ngủ đẹp, chính trị gia cẩn trọng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi ở bất kỳ đâu, mà chính mỗi người dân thường cũng đều có thể trở thành tâm điểm mổ xẻ của đám đông với đòn bẩy của báo chí và truyền thông xã hội.Khi chiếc điện thoại thông minh giơ lên, từ chuyện cô giáo mắng học sinh, cán bộ phanh áo khi tiếp dân, nhà sư lỡ lời, bác sĩ gác chân khi trực, hay hình ảnh bảo vệ cõng cán bộ trời mưa… đều có thể trở thành tâm bão của xã hội thích ồn ào.
Thử tưởng tượng, tôi là một nhà giáo và không thể tránh khỏi trong 30 năm nghề nghiệp của mình có những khoảnh khắc cư xử đời thường nhất, không tránh khỏi những hình ảnh có thể không đúng với hình ảnh chuẩn mực của người thầy theo xã hội quan niệm. Chẳng may lúc đó một sinh viên đưa điện thoại lên và với tốc độ lan tràn, sinh viên đó có khoảng 500 bạn trên mạng xã hội, sau lượt chia sẻ với mỗi người có trung bình 500 bạn nữa. Cứ nhân vậy, tôi sẽ trở thành con mồi của dư luận, hợp khẩu vị tò mò của xã hội trong chốc lát.
Trong thế giới phẳng này, chúng ta tương tác, giám sát, thậm chí đấu tố lẫn nhau qua những bộ lọc nhất định. Một mặt nào đó, thông tin kiến tạo có thể giám sát xã hội tốt hơn. Chúng ta đều nhớ clip cảnh sát khu vực vào khám nhà và nhổ nước bọt vào mặt dân. Nhờ chiếc điện thoại ghi lại hết những gì xảy ra, công bằng đã được trả lại cho người dân sau đó.
Ngược lạikhi bức tranh không hoàn thiện, hay bị sắp đặt có thể khiến xã hội tạm thời hiểu sai cả một vấn đề lớn. Bởi đám đông vốn tư duy chủ yếu bằng hình ảnh và cảm tính. Một bức ảnh bị cắt góc thì chỉ thấy một mảng tối của vấn đề và góc nhìn của người chụp. Báo chí và công chúng từng bị một anh chàng “siêu nổ” lừa một cách ngoạn mục, tin rằng rằng anh ta rất giàu có, chở bởi những bức ảnh khoe của dàn xếp của anh ta.
Ngày nay, cơ chế giám sát đã thay đổi. Nếu như trước đây hàng xóm tò mò muốn biết chúng ta làm gì họ sẽ tới nhà giả vờ tiếp cận, quan sát, ngày nay, họ chỉ cần vào Facebook và nghiên cứu chúng ta. Tôi nhớ trong một hội thảo truyền thông ở Anh năm 2014, nhiều nhà nghiên cứu ví thông tin cá nhân trên internet giống như tài sản trong căn nhà mở toang cửa, có thể bị lấy đi bất kì khi nào.
Mọi cú click chuột, hình ảnh trong thế giới ảo ngày nay đều có ảnh hưởng, hệ quả tới thế giới thật ngoài kia. Vậy bạn có cảm thấy xã hội được giám sát tốt hơn, hay cuộc sống cá nhân đang bị công nghệ lấy đi khi phải cư xử khác ở nơi công cộng, đề phòng lẫn nhau, vì chẳng may bạn lọt vào camera của một ai đó vào một ngày đẹp trời?
Tôi thì nhớ tới câu nói: “mọi thứ nhỏ nhặt đều được tính trong một cuộc khủng hoảng”.
Phạm Hải Chung
Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Theo TuanVietNam