Hình tượng nàng Leda và con thiên nga trong nghệ thuật

(Dân trí) - “Leda và con thiên nga” là một câu chuyện thần thoại Hy Lạp khá nổi tiếng, đã trở thành đề tài cho các nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo nghệ thuật trong suốt nhiều thế kỷ.

Trong câu chuyện thần thoại này, Thần Dớt đã hóa thành một con thiên nga để đến tự tình với nàng Leda xinh đẹp. Từ đây, Leda đã sinh ra hai người con là Helen và Polydeuces (con của Thần Dớt). Leda cũng là vợ của vua Tyndareus xứ Sparta, nàng đã sinh hạ cho chồng hai người con, là Castor và Clytemnestra.

Những cuộc tình tự giữa nàng Leda và con thiên nga là một câu chuyện từ xa xưa đã rất thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ. Câu chuyện này đã được khắc họa trong những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, hơn thế, nó còn hiện diện cả trong những vật dụng đời thường, như trên mặt nhẫn, vò gốm… thông qua bàn tay tài hoa của những thợ thủ công.

Trong hội họa - điêu khắc, có khá nhiều họa sĩ tên tuổi từng thực hiện các tác phẩm về nàng Leda bên con thiên nga.

Bức vẽ của Leonardo da Vinci

Bức vẽ của Leonardo da Vinci

Năm 1508, danh họa người Ý Leonardo da Vinci đã vẽ một bức tranh, trong đó nàng Leda khỏa thân đang âu yếm chú thiên nga, ở bên cạnh nàng là hai cặp trẻ sinh đôi vừa chui ra từ vỏ trứng. Tuy vậy, bức tranh này đã biến mất không lý do.

Rất may mắn, nó đã được sao chép lại bởi nhiều họa sĩ đương thời nên hậu thế ngày nay vẫn có thể chiêm ngưỡng ý tưởng sáng tạo của vị danh họa.

Bức vẽ của Michelangelo

Bức vẽ của Michelangelo

Một bức tranh khác của danh họa Michelangelo cũng có chung số phận - bị thất lạc không rõ lý do. Và cũng rất may mắn, bức tranh này đã được những trợ lý của Michelangelo sao chép lại thành nhiều bản.

Bức tượng bằng cẩm thạch của nhà điêu khắc người Ý Bartolomeo Ammanati được thực hiện hồi năm 1535.

Bức tượng bằng cẩm thạch của nhà điêu khắc người Ý Bartolomeo Ammanati được thực hiện hồi năm 1535.

Bức tượng bằng cẩm thạch của nhà điêu khắc người Ý Bartolomeo Ammanati được thực hiện hồi năm 1535.

Một bức tượng được thực hiện từ thời kỳ La Mã bởi một nhà điêu khắc lừng danh người Hy Lạp - Timotheos.

Một bức vẽ được thực hiện bởi Peter Paul Rubens.

Một bức vẽ được thực hiện bởi Peter Paul Rubens.

Bức vẽ của Correggio

Bức vẽ của Correggio

Một bức tranh thuộc thời kỳ Phục Hưng cũng rất nổi tiếng thời đó là bức tranh của Correggio. Bức tranh này không mất tích mà đã bị phá hoại bởi một thanh niên quý tộc, vốn là con trai của vị công tước sở hữu bức tranh này. Đã có lần người thanh niên dùng dao găm đâm vào nàng Leda trong tranh. Vết rách đã được “vá” lại nhưng bức tranh không còn được như ban đầu nữa.

Bức vẽ của danh họa người Đức Georg Pencz

Bức vẽ của danh họa người Đức Georg Pencz

Một bức vẽ của họa sĩ người Tây Ban Nha Ulpiano Checa

Một bức vẽ của họa sĩ người Tây Ban Nha Ulpiano Checa

Người ta cho rằng những bức tranh của Leonardo và Michelangelo bị mất tích một cách bí ẩn khi nằm trong những bộ sưu tập cá nhân của các nhân vật thuộc Hoàng gia Pháp là bởi chúng đã bị những mệnh phụ phu nhân thiêu hủy, do các quý bà “không ưa” câu chuyện thần thoại rất gợi tình này.

Trong thời kỳ Phục Hưng, có vô số họa sĩ đã khắc họa cuộc tình giữa nàng Leda và con thiên nga. Đây cũng là câu chuyện thần thoại có sức sống lâu bền nhất trong hội họa khi nó trở lại là một đề tài sáng tạo nghệ thuật hấp dẫn cho các họa sĩ thuộc trường phái Biểu tượng và Biểu hiện hồi thế kỷ 19-20.

Bức vẽ của họa sĩ người Pháp Paul Cézanne

Bức vẽ của họa sĩ người Pháp Paul Cézanne

Trong nghệ thuật đương đại, nàng Leda và con thiên nga vẫn tiếp tục là chủ đề sáng tạo.

Năm 1964, một nhà làm phim người Áo có tư tưởng cấp tiến - Kurrt Kren - đã thực hiện bộ phim có tên “7/64 Leda mit der Schwan” (Tháng 7/1964 Leda và con thiên nga). Bộ phim cho tới giờ vẫn được coi là một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, khắc họa hình ảnh biểu tượng một phụ nữ trẻ ôm một con thiên nga.

Trong thi ca, nhà thơ nổi tiếng người Pháp thời kỳ Phục Hưng Pierre de Ronsard, nhà thơ từng giành giải Nobel Văn học người Ireland - William Butler Yeats, nhà thơ người Nicaraguan - Ruben Dario, nhà thơ nữ người Mỹ Hilda Doolittle… đều từng viết những bài thơ về nàng Leda.

Trong âm nhạc, bài hát “Power and Glory” trong album “Magic and Loss” của ca sĩ người Mỹ Lou Reed hồi năm 1992 cũng có nhắc tới câu chuyện thần thoại này.

Trong kịch nghệ, nhà thơ người Mỹ Sylvia Plath cũng từng lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại này để sáng tác nên một phần của vở kịch nói “Three Women” hồi năm 1962.

Câu chuyện về nàng Leda và con thiên nga trong thần thoại nếu không được thể hiện một cách khéo léo, rất có thể sẽ gây tranh cãi và trở thành nhạy cảm. Năm 2012, một triển lãm mỹ thuật ở London (Anh) về nàng Leda và con thiên nga đã bị cảnh sát yêu cầu ngưng lại.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm