Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong mắt thế giới
(Dân trí)- Hình ảnh phụ nữ Việt Nam được bạn bè thế giới biết tới chủ yếu qua những tư liệu về hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ những cuộc chiến vĩ đại, người phụ nữ Việt Nam đã bước ra mạnh mẽ, kiên cường- trước thế giới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, phụ nữ đóng một vai trò quan trọng đem lại thành công cho những cuộc chiến thần thánh. Đã có biết bao phụ nữ tham gia kháng chiến với câu khẩu hiệu đã trở nên rất quen thuộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”, hay “còn cái lai quần cũng đánh”.
Phụ nữ đã tham gia chiến đấu trong tất cả những cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam. Rất nhiều những cuốn sách đã từng được các tác giả người nước ngoài viết, trong đó phân tích về những chiến tranh tại Việt Nam, lý do tại sao một dân tộc bé nhỏ lại có thể chiến thắng một cường quốc lớn trên thế giới. Trong đó, cuốn sách Vietnamese Women At War của tác giả Sandra Taylor đã khai thác cuộc chiến từ một khía cạnh rất khác. Bà sang Việt Nam, thực hiện những cuộc phỏng vấn với các nữ du kích, nữ thanh niên xung phong, nữ tình báo… để có thể lý giải được nguồn động lực to lớn nào đã đem lại cho họ sức mạnh kỳ diệu tới vậy, những trải nghiệm của về cuộc chiến ra sao. Có thể nói chưa một đất nước dân tộc nào có lối đánh du kích tài tình như Việt Nam và mỗi người dân đều có thể trở thành chiến sĩ.
Phụ nữ Việt Nam được biết tới với một danh từ ấn tượng - “đội quân tóc dài”. Họ tuy là phái yếu nhưng không ở thế bị động hoặc trở thành nạn nhân của cuộc chiến mà ngược lại đã trở thành những người chủ động tham gia vào cuộc chiến.
William J. Duiker, tác giả của cuốn sách Sacred War: Nationalism and Revolution in a Divided Vietnam (Tạm dịch: Cuộc chiến thần thánh - Chủ nghĩa dân tộc và cuộc cách mạng ở hai miền Việt Nam) từng nói ông vô cùng ấn tượng với những người phụ nữ Việt Nam, họ là những người đã góp phần xây dựng nên trận địa pháo Điện Biên Phủ, đào nên địa đạo Củ Chi, họ là những anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.
Robert Olen Butler, tác giả cuốn sách tổng hợp các truyện ngắn viết về người Việt Nam di cư từng giành giải Pulitzer - A Good Scent from a Strange Mountain (Tạm dịch: Mùi hương trên núi lạ) chia sẻ: “Tất cả lính Mỹ đều có nhận định rằng phụ nữ ở Việt Nam trong chiến đấu dũng cảm và ngoan cường không kém gì nam giới. Trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng thần thánh của Việt Nam trước một lực lượng quân đội hùng mạnh như Mỹ, có một mảnh ghép vô cùng quan trọng, đó là nhờ có sự tham gia của phụ nữ. Họ là một trong những nhân tố quan trọng không thể bỏ qua”.
“Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới phụ nữ Việt Nam trong những cuộc kháng chiến của dân tộc này. Họ xứng đáng trở thành nguồn đề tài phong phú để văn chương và điện ảnh khai thác. Có thể nói phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến là một chương lớn trong cuốn lịch sử của dân tộc Việt Nam. “Đội quân tóc dài” này cũng xứng đáng trở thành đề tài nghiên cứu của những chuyên gia ngành phụ nữ học trên thế giới”, Marilyn B. Young, tác giả của cuốn The Vietnam War từng nói.