Hình ảnh cổng Văn Miếu sẽ được mang đến Tanzania
Tối ngày 15/10/2015, tại đất nước Tanzania xa xôi, đạo diễn Việt Tú sẽ làm tổng đạo diễn một chương trình nghệ thuật đặc biệt "Halo Tanzania from Viet Nam" nhân dịp ra mắt mạng di động mới Halotel (Mạng di động của Viettel tại Tanzania).
Đây là sự kiện đặc biệt mang thông điệp mạnh mẽ về sự hòa hợp văn hóa, con người giữa hai đất nước.
Chương trình vinh dự được đón Tổng Thống Tanzania, Thủ tướng Tanzania và các bộ trưởng các bộ ban ngành của nước bạn tới thưởng thức.
*Thưa đạo diễn, thực tế, những người yêu văn học đều biết đến Tanzania, một vùng đất thịnh vượng vùng Đông Phi qua đỉnh núi Kilimanjaro, qua tác phẩm "Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro" của Hemingway, đây cũng là đỉnh núi được coi là "nóc nhà Châu Phi". Nhưng, có lẽ đây là vùng đất còn khá xa lạ với phần đông người Việt mình, lặn lội sang tận đó để thực hiện một sự kiện văn hóa, thương mại, anh có chịu áp lực nào đó?
-Khi thực hiện chương trình, tôi và Phạm Minh Ngọc, Giám đốc công ty Brother IMC - đơn vị thực hiện chương trình lần này, đều biết đây là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả ekip mới có thể thực hiện thành công được. Khó khăn lớn nhất chính là nguồn cung cấp thiết bị, tư duy trong tổ chức sự kiện của đối tác tại Tanzania. Gần như, ở phía họ không tổ chức những sự kiện lớn, tầm cỡ như các quốc gia mà chúng ta thường biết đến. Tuy nhiên, phía đối tác và đơn vị tổ chức cũng như tôi rất kỳ vọng sẽ tạo nên một bước đột phá ở mảnh đất này, để lại những ấn tượng đẹp về đất nước, con người Việt Nam, cũng như mở ra sự hợp tác tốt đẹp về thương mại nên đã làm tất cả những gì có thể.
Có thể nói Viettel đã có những quyết sách nhanh, gọn một cách tuyệt vời để tôi và ekip có những điều kiện làm việc tốt nhất. Mặc dù, đất nước Tanzania được coi là mảnh đất phát triển thịnh vượng ở Đông Phi, nhưng tư duy về tổ chức sự kiện của họ khác biệt, họ không có những thứ cần và đủ cho chương trình, thậm chí không có cả màn hình Led như chúng tôi muốn, nên toàn bộ các thiết bị cho chương trình lên đến cả chục tấn đều đưa hết từ Việt Nam sang. Để làm được điều này không hề đơn giản, vừa là quyết sách táo bạo của phía Viettel, lại vừa là sự ủng hộ hết mình của chính quyền Tanzania mới có thể làm được sự kiện này.
*Được biết anh cùng ekip của mình sẽ dựng một cánh cổng Văn Miếu làm biểu tượng của sự kiện. Cánh cổng Văn Miếu có ý nghĩa như thế nào với sự kiện này, và anh có thể tiết lộ một chút làm sao để dựng mô phỏng cánh cổng Văn Miếu ở đất nước xa xôi ấy?
- Khi lên ý tưởng cho chương trình, tôi đưa ra câu hỏi là tại sao khi đầu tư mạng viễn thông ở Tanzania, Viettel lại lấy tên là Halotel, mà không giữ là Viettel để giữ tên thương hiệu? Họ giải thích với tôi rằng, kinh doanh muốn thành công thì cần phải có được cảm tình của người dân địa phương, bởi vậy, họ mong muốn một tên gọi tạo ra được sự gần gũi với người dân Tanania. Logo Halotel có hình ảnh vầng mặt trời mọc buổi bình minh trên đỉnh Kilimanjaro.
Thông điệp của Viettel là, không phải tôi đến và đưa ra thứ tôi muốn để anh sử dụng mà là tôi đến làm bạn, và mang đến những gì thân thiện, gần gũi nhất, để anh cảm thấy thoải mái gần gũi khi dùng. Đây thực sự là chiến lược tuyệt vời của Viettel khi biết hoà hợp giữa văn hoá sống và thương mại. Điều tuyệt vời hơn là cả phía Viettel và Tanzania đều sẵn lòng mở ra một cánh cửa, để gặp gỡ, để cùng nhìn thấy cơ hội hợp tác, phát triển.
Chính vì thế tôi đã lấy biểu tượng của chương trình này là cánh cổng Văn Miếu – khi mở cánh cổng ra sẽ thấy đằng sau là cả Safari hùng vĩ của Tanzania, là đỉnh núi Kilimanjaro. Biểu tượng này sẽ được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều chi tiết sự kiện kể cả menu đặt trên bàn, sẽ khiến những người tham dự ấn tượng về một nét văn hóa, một biểu tượng của người Việt.
Cánh cổng Văn Miếu không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn mang ý nghĩa là cánh cổng công nghệ, là cánh cổng kết nối. Khi cả hai cùng “mở cửa” sẽ tìm thấy tiếng nói chung thân thiện, cùng hợp tác. Cổng Văn Miếu cũng biểu trưng cho sự học hỏi, có học hỏi lẫn nhau mới cùng phát triển được. Hình ảnh cánh cổng Văn Miếu này sẽ được chúng tôi dựng bằng các vật liệu như gỗ kết hợp với hoa văn được khắc bằng lazer trên các chất liệu hiện đại để mang lại cảm giác thật nhất về biểu tượng của chương trình.
*Mặc dù là một sự kiện mang tính thương mại, nhưng lại được xây dựng trên một tổng thể chương trình văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa nhằm tạo sự hòa hợp về con người và văn hóa cũng như văn hóa sống giữa hai đất nước, ngoài cánh cổng Văn Miếu là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam mình, anh còn mang tới Tanzania những gì?
Đầu bài đặt ra lần này là sự giao thoa về văn hoá giữa hai quốc gia, tôi cho rằng đây là một bài toán khó mà ekip đã tìm ra lời giải.
Mở đầu chương trình, sẽ là một "đặc sản" của văn hóa Việt Nam đó là phần trình diễn Cô Đôi thượng ngàn, tôi chọn điều này vì giá "Cô đôi thượng ngàn" trong văn hoá luôn tượng trưng cho sự chia sẻ tài lộc, thịnh vượng, tất cả đều vui tươi, hạnh phúc. Điều này cũng mang thông điệp rất rõ của Halotel là tôi đến với bạn không phải chỉ tạo sự thịnh vượng cho tôi mà tôi mong muốn được chia sẻ sự thịnh vượng với bạn. Chính thông điệp kinh doanh thông minh, thân thiện và nhân văn của nhà mạng đã cho tôi những cảm hứng để xây dựng tiết mục này.
Tiếp đó chúng tôi sẽ mang đến một bộ sưu tập áo dài rất lộng lẫy, rất phù hợp để giới thiệu về vẻ đẹp văn hoá Việt của Nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Bộ sưu tập mang tên "Vương triều" này đã từng được trình diễn trong tiệc chiêu đãi giữa Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất được khen ngợi. Trong phần trình diễn áo dài, điểm đặc biệt là các người mẫu Việt Nam sẽ mặc áo dài diễn cùng với các nam người mẫu của Tanzania. Các chàng trai Tanzania biểu tượng cho người đàn ông xứ sở sa mạc, mặc trang phục dân tộc, đi chân trần, chạy đua với báo đen, dũng mãnh vô cùng. Chắc chắn sự kết hợp này sẽ đẹp mắt và mang đến thông điệp thú vị về sự pha trộn văn hoá.
Những gì chúng tôi mang đến sự kiện đều rất Việt, từ những chi tiết trang trí mỹ thuật ở sảnh, trên bàn tiệc hay trên sân khấu.... Và tất cả đều được thực hiện từ Việt Nam chuyển sang đã cho thấy sự đầu tư của Viettel cho sự kiện lần này.
Ông Phạm Minh Ngọc, Giám đốc công ty BrotherIMC - đơn vị thực hiện sự kiện “Halo Tanzania from Viet Nam” cho biết : “ Mang đến một chương trình thành công tại đất nước như Tanzania cần sự nỗ lực và sự chuẩn bị rất công phu của Ekips thực hiện. Bởi, sự khác biệt về nguồn cung cấp thiết bị, tư duy trong tổ chức sự kiện của đối tác tại Tanzania là những thách thức cho ekips. Tuy nhiên, với sự lạc quan và kinh nghiệm đã tổ chức thành công sự kiện ra mắt mạng di động Movitel (tên thương hiệu của nhà mạng Viettel tại Mozambique) tháng 5/2012, được tổng thống và quan khách đánh giá như một sự kiện “7 sao” tại Mozambique, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên một sự kiện tạo được dấu ấn mạnh về Việt Nam trên đất nước xinh đẹp Tanzania.”
Lương Vân