Hậu trường 60 ngày vật lộn với mưa lũ để làm phim "Cha cõng con"

(Dân trí) - Mới đây, ê-kíp sản xuất bộ phim điện ảnh Cha cõng con đã chính thức tung teaser phim. Dù chỉ mới đăng tải lên mạng nhưng những hình ảnh của Cha cõng con đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Tuy nhiên, để có được bộ phim này, đoàn làm phim đã phải trải qua những giây phút thót tim khi vật lộn với thời tiết khắc nghiệt.

Trong Cha cõng con, bên cạnh câu chuyện cảm động về tình cha con, đạo diễn Lương Đình Dũng và nhà quay phim - NSND Lý Thái Dũng còn mang đến bức tranh hoàn chỉnh về cảnh sắc Hà Giang, từ bối cảnh trên đỉnh đồi Minh Ngọc - Bắc Mê với độ cao gần 200m từ chân đồi đoàn phim phải leo lên mỗi ngày, đến dòng sông Gâm khu vực thác Núi đổ, với hai ngọn núi đá dựng đứng, từ những cú quay cận đặc tả đến những cảnh flycam khoáng đạt.

Cảnh người cha và những đứa con trong mái nhà dột nát của phim Cha cõng con.
Cảnh người cha và những đứa con trong mái nhà dột nát của phim Cha cõng con.

Tại đồi Minh Ngọc, Bắc Mê bối cảnh ở độ cao gần 200 mét, gần một tháng, ngày nào Đoàn cũng phải leo lên đỉnh đồi với trung bình thời gian di chuyển 30-45 phút từ chân đồi. Lúc xuống đồi khá nguy hiểm vì phải đi qua con suối, có thể sáng đi cao đến đầu gối nhưng đêm về nước đã ngập đến cổ. Bên sản xuất phải kéo dây điện từ dưới chân núi chạy theo lên đến đỉnh núi để soi đường và chăng dây cáp qua suối. Nguy hiểm nhất là mỗi khi mưa xuống con đường xuống núi rất trơn trượt.

Có một đoạn một bên đường là vực khá sâu nên mỗi lần mọi người đi qua đều bảo nhau giữ tay thật chắc. Để đưa được thiết bị điện lên đỉnh núi, mọi người phải tháo rời các thiết bị điện ra đưa lên rồi mới lắp vào. Trên đỉnh đồi liên tục gặp mưa, bão lớn. Mặc dù, việc mưa, bão sẽ thuận lợi cho cảnh quay thật hơn nhưng mỗi trận mưa đến cùng sấm sét, anh em trong đoàn bảo nhau phải bỏ bộ đàm và điện thoại thật xa để tránh sét vì nghe tin ở đó cách mấy xã sét vừa đánh chết gần hai chục con trâu.

Bối cảnh dòng sông Gâm khu vực thác Núi đổ là bối cảnh ngôi nhà của hai cha con. Giống như nút thắt, lối đi vào như một cái eo, khi vào sẽ thấy choáng ngợp bởi cảnh sắc tuyệt đẹp của núi đá và lòng hồ rộng lớn. Để tìm được bối cảnh như vậy đạo diễn đã phải đi hàng chục ngàn cây số, từ Cao Bằng, Tuyên Quang, Hoà Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hoá, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên mới tìm được nơi này.

Để có bối cảnh triền cỏ xanh trải dài theo yêu cầu của đạo diễn, nhà sản xuất đã trả tiền cho bà con trồng ngô toàn bộ khu vực ấy với mức tính thu hoạch thời điểm tốt nhất, sau đó thuê người canh giữ bãi cỏ trong vòng 3 tháng. Đặc biệt cảnh quay cậu bé Cá chạy trên triền cỏ thì mỗi ngày chỉ có 15 phút là thời điểm quay mặt trời đẹp nhất.

Bối cảnh Cha cõng con là vùng núi phía Bắc.
Bối cảnh Cha cõng con là vùng núi phía Bắc.

Địa điểm dựng ngôi nhà ban đầu cách mặt nước sông khoảng 20 mét nhưng trước thời điểm quay 10 ngày bất ngờ nước về ngập chìm luôn ngôi nhà, đoàn phải chuyển nhà lên cao hơn. Vào những ngày quay cuối cùng trên sông Gâm, nước cứ mỗi ngày lên một mét khiến cho cả đoàn vô cùng lo lắng. Nhưng điều kỳ diệu là khi nước lên đến sát mép cửa thì dừng lại và duy trì mực nước đến 3 ngày.

Có một cảnh ghi sẵn trong kịch bản, con cá nhảy xuống sàn nhà rồi chui qua khe cửa bơi ra sông, đúng hôm đó nước ngập đến khe cửa. Sau khi kết thúc cảnh quay cuối cùng ngày 25/8/2015 đoàn rời đi về bối cảnh thành phố thì ngày 27/8/2015 nước lũ về nhấn chìm toàn bộ bối cảnh. Trong phim có cảnh hai cha con ngồi trên khúc gỗ rất đẹp, vừa đúng lúc đặt máy xuống thì đàn cò bay vào và bay vòng vèo đến khi quay kết thúc cảnh đàn cò bay đi.

Những cảnh quay flycam trên núi cũng rất khó. Ở đó gió mạnh và nhiều sương nhưng đạo diễn thì yêu cầu phải quay bằng được mong muốn ban đầu đề ra. Đoàn quay flycam đầu tiên khi lên đỉnh đồi Minh Ngọc thì bị mưa bão quá lớn bộ thiết bị bay bị hỏng và phải hoãn quay. Đoàn thứ 2 lên quay gió quá mạnh lên phải từ Hà Nội lên đến 3 lần mới quay được cảnh trên đồi cao.

Cảnh hai cha con chèo thuyền đi giữa khe núi đạo diễn yêu cầu bay cao vượt đỉnh khe núi, nên sản xuất phải nói với nhóm bay flycam sẽ đền toàn bộ nếu thiết bị bị rơi hoặc bay mất khỏi tầm kiểm soát. Và khi người điều khiển phải căng mắt ra mới nhìn thấy flycam của mình đạo diễn mới đồng ý quay ở độ cao đó, cho đến khi flycam xuống đến mặt đất tất cả đoàn mới thở phào.

Bối cảnh dựng lều tranh thật bên sông vào mùa lũ.
Bối cảnh dựng lều tranh thật bên sông vào mùa lũ.

Sau hơn 10 năm ấp ủ (từ năm 2007), hơn hai tháng quay phim, hơn một năm hậu kỳ, đứa con của đạo diễn Lương Đình Dũng mới được chào đời và giới thiệu đến khán giả. Phim chính thức ra rạp từ ngày 5/4, sau khi tham dự và được chọn trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế.

Giải thích về tên gọi giản dị của bộ phim, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: "Tôi đặt tên phim là Cha cõng con, vì tên đó sẽ là vĩnh cửu, không có một người con nào không và không từng được cha cõng trên vai, không từng ôm cổ cha., chẳng có từ nào chỉ khác đi được hình ảnh cha con ấy. Hãy tưởng tượng hình ảnh người con trên vai cha trong ánh nắng mặt trời rực rỡ, trong tiếng thì thầm vào tai cha, trong tiếng cười ròn tan, nó sẽ đẹp và ấm áp vô cùng".

"Cha cõng Con (Father and Son) là một câu chuyện giản dị nhưng có thể lay động hàng triệu trái tim bởi giấc mơ trẻ thơ đẹp bất tận trong tâm hồn, bởi tình yêu vô bờ bến của người cha mà không từ ngữ nào có thể diễn tả. Đó là một câu chuyện buồn nhưng đầy hy vọng, về tình người luôn ẩn lẫn ở mọi nơi mọi góc, dù là góc tối nhất của cuộc sống. Tôi muốn truyền cảm hứng cho những ước mơ, tôi muốn tôn vinh tình phụ tử, tôi muốn mỗi người xem nhìn thấy tận sâu bên trong tình người trong sáng của người Việt, tôi khát vọng truyền cảm hứng về cảnh sắc Việt qua mỗi khuôn hình, giản dị đầy ắp chất thơ" - đạo diễn nhấn mạnh.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm