1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Hành vi tự ý lấy hoa có thể coi là trộm cắp tài sản, bị xử phạt”

(Dân trí) - Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), hành vi người dân tự ý lấy hoa khi chưa có sự đồng ý của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội có thể coi là hành động trộm cắp tài sản, có thể bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

“Hôi hoa” nhốn nháo, phản cảm khác nào... “hôi của”

Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ, khi nhìn thấy những người dân lấy hoa trên đường Kim Mã, chị cảm thấy rất khó chịu trước hình ảnh phản cảm này.

“Không đề cập đến việc, người dân lấy hoa trên đường Kim Mã có được sự đồng ý của nhân viên đang thu dọn các chậu hoa hay không, cá nhân tôi khi nhìn thấy hình ảnh người dân bỏ cả xe máy, thậm chí cả ô tô đầy đường, gây ùn tắc giao thông để lao vào chọn hoa, xí hoa, giành hoa tạo nên cảnh tượng lộn xộn, rất phản cảm.

Không chỉ trên đường Kim Mã, trước đó mấy hôm, tôi đi ngang qua bùng binh trên đường Trần Hưng Đạo, trước cửa Cung Văn hóa Hữu Nghị cũng phải chứng kiến cảnh người dân tranh cướp lấy hoa tại nên khung cảnh nhốn nháo, như chợ buôn hoa.

Nhìn cảnh “hôi hoa” lại khiến người ta nhớ đến cảnh người dân “hôi của” khi những xe chở hàng gặp nạn từng được báo chí phản ánh trước đây. Người ta giành hoa, xếp đầy xe máy, xe ô tô như chiến lợi phẩm...”, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim nói.

1551872225-941-hoi-hoa-trang-tri-dip-hoi-nghi-thuong-dinh-dan-tu-lay-hay-duoc-cho-cuop-hoa-1551872188-width660height377.jpg

Mốt số người dân dừng xe lấy hoa gây cảnh nhốn nháo, ùn tắc giao thông trên đường Kim Mã ngày 6/3. (Ảnh cắt từ clip)

Chị cũng cho rằng, với những người yêu cây, tìm thấy niềm yêu thích từ việc chăm sóc cây, hoa thì họ sẽ mua cây khi chưa có hoa, đưa về chăm sóc cho đến khi đâm chồi nảy lộc, nở hoa và hưởng thụ thành quả của mình thay vì việc tận dụng lấy hoa đã qua sử dụng, cũng không còn tươi đẹp nữa nơi công cộng để mang về.

Với những người lấy hoa có người có tâm lý tận dụng, thể hiện lòng tham, không muốn mất tiền mua hoa nên vơ càng nhiều càng tốt. Điều này khác với việc người ta thấy hoa bị vứt bỏ, người ta tiếc, người ta trân trọng cây hoa nên đem về chăm sóc.

“Bản thân tôi không bao giờ đi lấy hoa nơi công cộng như thế cả. Hoa để đấy, tạo cảnh quan đẹp cho đường phố, mọi người đều được hưởng chứ không nhất thiết phải lấy về. Nếu mình yêu cây, hoa thì mình sẽ tự đi mua cây tại vườn cây, mua hoa tại vườn hoa đưa về trồng chăm sóc”, chị chia sẻ thêm.

Đó là hành vi ích kỷ, thể hiện cái tôi nhỏ bé, tội nghiệp

PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) khẳng định đằng sau hành vi “hôi hoa” bị cho là thiếu ý thức, phản cảm là thói ích kỷ, thể hiện “cái tôi nhỏ bé, tội nghiệp” của một số người dân.

“Nhiều người có lẽ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hành vi giành giật nhau, thậm chí tranh cướp, xô lấn nhau để lấy hoa. Hoa vốn tượng trưng cho cái đẹp, nhưng những người giành giật nó với hành vi không đẹp.

Khi thực hiện hành vi tranh giành, tâm lý chung của những người này là muốn có phần, thậm chí nhiều để mang về. Cốt lõi của những hình ảnh lấy hoa đang bị dư luận phản ứng đều xuất phát từ thói ích kỷ của một số bộ phận”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình nói.

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, không chỉ thể hiện sự ích kỷ, sự việc “hôi hoa” gây bức xúc trong dư luận còn thể hiện tâm lý đám đông, a dua, bắt chước nhau. Một người lấy, hai người lấy, nhiều người cũng ào xuống lấy. Ai cũng nghĩ, người khác lấy được thì mình cũng lấy được và sẽ chẳng ai biết, chẳng ai để ý. “Đằng sau hành vi ích kỷ, a dua và phản cảm là những cái tôi nhỏ bé và tội nghiệp”, ông nhấn mạnh.

534681494270956611985224637632156380692480-n-1551924818281.jpg

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, không chỉ thể hiện sự ích kỷ, sự việc “hôi hoa” gây bức xúc trong dư luận còn thể hiện tâm lý đám đông, a dua, bắt chước nhau.

Ngoài ra, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cũng đề cập đến vấn đề quản lý. Ông cho rằng, khi ý thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế thì cơ quan quản lý cần có những giải pháp đảm bảo an toàn hơn.

Tự ý lấy hoa có thể bị coi là trộm cắp tài sản, bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng

Về sự việc một số người dân lấy hoa nơi công cộng, theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi người dân tự ý lấy hoa khi chưa có sự đồng ý của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội có thể coi là hành động trộm cắp tài sản theo Điều 173 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Trong trường hợp có sự có mặt của chủ tài sản (ở đây là đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội) nhưng vẫn cố tình lấy khi chưa được sự đồng ý thì được gọi là công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Với cả hai hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

Cụ thể, nếu hành vi trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng có thể bị khởi tố hình sự. Với giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính ở Khoản A hoặc B ở Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2013 với mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Nguyễn Hằng