Hành trình trở thành bảo vật quốc gia của xe tăng 390
Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp lưu giữ hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử, trong đó xe tăng 390 chiếm vị trí quan trọng nhất. Về chiếc xe tăng vừa được công nhận bảo vật quốc gia này là cả một hành trình đi vào lịch sử…
Những tướng lĩnh Quân đội cùng các nhân chứng lịch sử Nguyễn Văn Tập, Vũ Đăng Toàn, Lê Văn Phượng, Ngô Sĩ Nguyên (thứ 1,3,4,8 từ trái sang) tại Lễ công bố xe tăng 390 là Bảo vật quốc gia diễn ra tháng 11-2012. Ảnh: K.N. |
Tháng 11 vừa qua, Binh chủng Tăng-Thiết giáp đã tổ chức lễ công bố xe tăng 390 là Bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tôi đến dự buổi lễ công bố này do được các thành viên kíp xe tăng 390 gọi điện thông báo.
Nhớ lại cách đây 16 năm, khi câu chuyện về xe tăng 390 mới là xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập được đưa ra với những bằng chứng thuyết phục, thân phận của bốn thành viên kíp xe tăng này là đề tài được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều nhất.
Sau đó, nhiều lần có dịp tiếp xúc với các cựu binh xe tăng 390, tôi thấy các anh ít muốn nói thêm về mình mà thường nhắc đến chiếc xe tăng 390 như một báu vật.
“Xe tăng 390 cần được tôn vinh và sẽ tồn tại mãi với thời gian như một chiến tích của lịch sử”- các cựu binh xe tăng 390 nói. Đến nay, niềm mong mỏi đó của các anh, cao hơn là sự mong đợi của lực lượng Tăng-Thiết giáp đã thành hiện thực.
Sau Lễ công bố trên, tôi có dịp hỏi chuyện các thành viên kíp xe tăng 390 để hiểu thêm về chiếc xe tăng này ở giai đoạn quyết định nhất của cuộc chiến.
Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, người gắn bó với xe tăng 390 sớm nhất so với ba thành viên còn lại, kể: Năm 1971, xe tăng ta (trong đó có xe 390) được chuyển từ Vĩnh Phúc vào chiến trường. Ban đầu anh Tập được giao lái một chiếc T54B mới toanh, nhưng khi vào đến Lệ Thủy (Quảng Bình) được đổi sang lái xe tăng 390, thuộc chủng loại T59.
Tuy không hiện đại bằng chủng loại xe T54B, nhưng xe tăng 390 còn khá mới, khi chạy thử anh Tập thấy rất ổn. Thời gian này, xe 390 thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 171, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 do chính trị viên đại đội Quản Đức Đán làm trưởng xe.
Trận đầu anh Tập lái xe tăng 390 tham gia chiến trường khi đơn vị đánh ở tây nam Huế. Trận đánh diễn ra ác liệt, xe tăng 390 nằm trong đội hình đánh gọng kìm đã tả xung hữu đột, mình lấm lem bùn đất, xây xước đạn pháo.
“Kết thúc trận đánh, tôi thấy xe 390 thật thân thiết vì đã cùng nhau chiến đấu, nó khác với cảm giác khi ngồi trên xe T54B chạy vài đoạn lúc vận chuyển vào chiến trường”- anh Tập cho biết.
Sau khi tham gia nhiều trận đánh, trưởng xe Quản Đức Đán cùng hai thành viên khác rời khỏi xe 390 để nhận nhiệm vụ mới, chỉ còn lại lái xe Nguyễn Văn Tập.
Về thay các anh là trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4 kiêm trưởng xe 390; pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên; pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường.
Những thành viên này cùng xe tăng 390 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, chốt giữ tại bán đảo Sơn Trà, sau đó hành quân về Khánh Sơn theo đội hình Lữ đoàn 203. Tại đây, xe tăng 390 và các xe trong đại đội 4 được điều về tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn, cùng đơn vị hành quân tiến công Sài Gòn.
Rạng sáng 29-4-1975, lực lượng xe tăng ta đánh chiếm căn cứ Nước Trong, nơi có Trường Sĩ quan Thiết giáp của địch được tập trung hỏa lực rất mạnh để chống lại sức tấn công vũ bão của xe tăng ta.
Trong trận chiến cam go, thiếu úy Lê Văn Phượng, đại đội phó kỹ thuật đại đội 4 đã nhảy lên xe 390 bắn súng 12 ly 7 để hỗ trợ đồng đội chiến đấu. Bị thương, anh Phượng phải xuống thay thế nhiệm vụ pháo thủ số 2 để anh Đỗ Cao Trường lên thay.
Sau khi chiếm được căn cứ Nước Trong, xe tăng 390 tung cả lá chắn bùn, bề mặt và cần trái tháp pháo bị những vết lõm sâu do trúng đạn pháo của địch.
Do Pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương nặng nên được trưởng xe 390 Vũ Đăng Toàn cho chuyển về tuyến sau, đồng thời cử anh Lê Văn Phượng ở lại xe thay thế. Sáng 30-4, khi xe tăng 390 vượt qua cầu Sài Gòn đến ngã tư Hàng Xanh thì bị xe tăng địch đánh chặn.
Một quả đạn từ xe tăng địch phụt tới, may chỉ sượt qua xe 390. Pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên bắn trả lại làm xuyên táo hai chiếc M113 của địch. Khi xe tăng 390 tiến gần Dinh Độc Lập, thấy xe 843 nằm kẹt ở cổng phụ bên trái nên lái xe Nguyễn Văn Tập đã xin ý kiến chỉ đạo của trưởng xe Vũ Đăng Toàn.
Được trưởng xe ra lệnh: “Cứ tông thẳng vào”, anh Tập lao xe húc đổ cổng chính tiến vào Dinh Độc Lập. Tiếp đó, các anh Toàn, Nguyên xuống xe yểm trợ cho đại đội trưởng Bùi Quang Thận, trưởng xe 843 lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập.
Sau này, khi được hỏi: “Lúc đó anh nghĩ gì khi ra lệnh húc đổ cổng Dinh?”- Trưởng xe Vũ Đăng Toàn cho biết: “Khoảnh khắc đó tôi chỉ nghĩ làm cách nào để giành thắng lợi nhanh nhất, để đồng đội và nhân dân không phải đổ thêm xương máu nữa. Mặc dù xe có thể dính mìn chống tăng hoặc vật cản nổ của địch bảo vệ cổng Dinh, nhưng kíp xe không có sự lựa chọn nào khác”.
Hiện vật gốc
Xe tăng 390 tại Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp. Ảnh: K.N. |
Ngày 15-5-1975, trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng Sài Gòn, xe tăng 390 vinh dự được xếp hàng đầu. Năm 1978, tuy không trực tiếp chiến đấu trên xe tăng 390 nữa, nhưng cựu pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng đã có dịp cùng xe tăng 390 tham gia mặt trận biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Cam-pu-chia.
Năm 1979, xe tăng 390 được chuyển lên tầu thủy vượt biển ra Bắc tiếp tục chiến đấu ở khu vực biên giới phía Bắc. Năm 1980, xe tăng 390 cùng đơn vị về đóng quân tại tỉnh Hà Bắc cũ (nay là Bắc Giang) để làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Thời gian này, anh Lê Văn Phượng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 203 (Lữ đoàn 203 về sau đổi thành trung đoàn), đơn vị phụ trách xe tăng 390.
“Khi đó, thỉnh thoảng tôi lại đến ngồi một mình bên chiếc xe tăng 390, hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu trước đây mà nhớ những đồng đội cùng kíp xe da diết ”- anh Phượng cho biết.
Ngày 22-6-1995, ba cựu thành viên xe tăng 390 (trừ pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên chưa liên lạc được) có dịp hội ngộ khi được mời đến đơn vị cũ nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn 203.
Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: F. Demulder. |
Tại đây, họ có dịp gặp lại chiếc xe tăng 390 sau đúng 20 năm húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập.
Tất cả đều xúc động, họ hầu như nhớ rõ các đặc điểm của xe tăng 390, nhất là các vết tích do đạn pháo của địch gây nên. Đến năm 1999, xe tăng 390 mới được nghỉ ngơi để đưa về Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp làm nhiệm vụ trưng bày.
Khi được mời đến Bảo tàng thăm lại chiếc xe, các cựu binh xe tăng 390 được hỏi: “Các đồng chí có khẳng định đây là chiếc xe tăng 390 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975?”.
Cả bốn thành viên trả lời: “Dù xe đã được sơn mới nhưng sao chúng tôi có thể quên được. Nếu sườn trái tháp pháo vẫn còn hai vết lõm, sâu khoảng 1cm; trên mặt tháp pháo còn vết lõm dài chừng gang tay do đạn pháo địch gây nên thì đúng là xe tăng 390”.
Cựu pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên bổ sung: “Nếu số tháp pháo được đúc nổi trên sườn trái là 61-T-73, phía trái cửa trưởng xe vẫn là dãy số khắc chìm 73776 thì đúng là xe tăng 390”. Sau khi kiểm tra, tất cả đều đúng như các thành viên xe tăng 390 nói.
Tháng 1-2011, Binh chủng Tăng-Thiết giáp nhận được thông tư của Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch quy định thủ tục công nhận bảo vật quốc gia. Cục Chính trị Binh chủng đã giao nhiệm vụ cho Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp lập hồ sơ khoa học hiện vật cho xe tăng 390.
Những nhân chứng lịch sử (đặc biệt là các thành viên kíp xe tăng 390) cùng các cơ quan chức năng đã cung cấp nhiều tư liệu, hiện vật, báo chí có liên quan góp phần khẳng định giá trị lịch sử đặc biệt của xe tăng 390.
Qua đó, Hội đồng Di sản Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua đề cử xe tăng 390 là bảo vật quốc gia do đáp ứng được các tiêu chí cơ bản: Hiện vật gốc; hiện vật có ảnh hưởng tích cực đến sự kiện trọng đại của đất nước, biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong Đại thắng mùa xuân 1975.
Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận xe tăng 390 (cùng 29 hiện vật khác) là Bảo vật quốc gia.