Hành trình khổ ải của bộ phim đen đủi nhất lịch sử điện ảnh
(Dân trí) - 30 năm để làm một bộ phim “bất khả thi”. 30 năm chiến đấu không mệt mỏi với đủ thứ chuyện đen đủi. Đến phút chót khi phim ra mắt, vẫn cứ… “đen”, đạo diễn bị một cơn đột quỵ. Đó là câu chuyện có thật về bộ phim “đen đủi” đến mức thành… huyền thoại.
“The Man Who Killed Don Quixote” (Kẻ giết Don Quixote) - bộ phim sẽ được công chiếu giới thiệu và khép lại LHP Cannes (Pháp) vào ngày 19/5 tới đây - là một dự án phim “huyền thoại” của những đỉnh điểm đen đủi xảy đến với một bộ phim.
Hãng tin BBC thậm chí đã dùng cách nói thậm xưng để bình luận, rằng đây là bộ phim “hiện thân của sự đen đủi dai dẳng khốn cùng, với gần 30 năm của máu, mồ hôi, sự cực nhọc, và nước mắt”.
Ít ai biết rằng, đạo diễn mang hai quốc tịch Anh - Mỹ Terry Gilliam (77 tuổi) đã phải vật lộn suốt gần 30 năm cuộc đời để có thể hoàn tất bộ phim này. Ông bắt đầu nuôi mộng về bộ phim từ năm... 1989.
Chia sẻ với phóng viên trên phim trường hồi năm 2017, đạo diễn Gilliam từng nói: “Tôi lo lắm. Tôi đã nhiều lúc không được may mắn, mọi chuyện có thể hỏng bét ở bất cứ thời điểm nào”.
Quả đúng như linh cảm của Gilliam, vài tuần sau, khi hoạt động quay phim hoàn tất, một nhà làm phim người Bồ Đào Nha có tên Paolo Branco đã tuyên bố rằng bộ phim này không được phép đem công chiếu.
Branco tuyên bố nắm bản quyền bộ phim và vì vậy, việc bộ phim được thực hiện mà không có sự đồng ý của ông này là... “không được”.
Lúc này, một nhà làm phim khác tham gia dự án - ông Peter Watson - đã lên tiếng đáp rằng ông Branco từng đề nghị hợp tác đầu tư, nhưng cuối cùng chẳng xuất ra nổi một đồng tiền nào, vì vậy, hợp đồng đã ký là vô giá trị.
Ông Watson còn đáp bằng thứ ngôn ngữ “quý tộc” hài hước đầy tính châm biếm rằng: “Cách hiểu của quý ông Branco về luật cứ như thể bước ra từ tiểu thuyết phiêu lưu. Nếu ngài thực sự muốn đấu một phen như những quý ông đáng kính, vậy tôi xin đề xuất chọn môn cưỡi ngựa đấu thương”.
Cho tới tận phút chót, khi LHP Cannes đã khai mạc một ngày, số phận bộ phim mới được định đoạt, vào ngày 9/5, tòa án ở Paris (Pháp) bác bỏ đơn kiện của ông Branco, lúc này, LHP Cannes mới dám quyết chiếu bộ phim và chọn đây là phim “khép màn”.
Cũng đúng lúc ấy, người ta được biết rằng sau quá nhiều buồn phiền, rắc rối, đen đủi, đạo diễn Gilliam vừa bị một cơn… đột quỵ nhẹ. Câu chuyện về bộ phim “đen đủi” khó tin này đã được đề cập trên nhiều trang tin điện ảnh.
Là một đạo diễn lâu năm, “The Man Who Killed Don Quixote” được xem là dự án điện ảnh tâm huyết nhất cuộc đời đạo diễn Gilliam.
Hành trình đen đủi, khó khăn, gian khổ để ông thực hiện bộ phim này đã từng được kể lại trong bộ phim tài liệu “Lost in La Mancha” (Lạc ở xứ Mancha - 2002). Vậy mà phải đến 16 năm sau nữa, phim mới xong.
Trong giới điện ảnh, người ta từng gọi đây là bộ phim... “không thể xong”. Đạo diễn Gilliam dù vậy vẫn âm thầm vật lộn, xoay xở đủ cách để tìm lối thoát cho dự án phim tâm huyết của cuộc đời. Hành trình gần ba thập kỷ ấy khiến ông chẳng buồn ghi nhớ hết các mốc thời gian và sự cố xảy đến.
Đạo diễn Gilliam bắt đầu nảy ra ý tưởng làm phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết “Don Quixote” của nhà văn Tây Ban Nha - Miguel de Cervantes hồi năm 1989. Gilliam không thể nào quên nhân vật Don Quixote, một phần bởi ông thấy nhân vật ấy... giống mình.
Tiểu thuyết “Don Quixote” xuất bản đầu thế kỷ 17, kể về một người đàn ông quý tộc có tuổi người Tây Ban Nha, vì đọc quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ nên đã mơ mộng tin rằng mình cũng là hiệp sĩ. Người đàn ông kiếm một bộ giáp cũ, thuê một người nông dân đi theo làm... cận vệ, cả hai cùng lên đường bắt đầu chuyến hành trình phiêu lưu kỳ khôi.
Nhân vật Don Quixote chiến đấu với cối xay gió vì tưởng đó là một gã khổng lồ. Phảng phất trong các bộ phim của Gilliam cũng từng xuất hiện nhiều nhân vật “tưng tửng” kiểu như vậy.
Đối với đạo diễn Gilliam, ông không ngại khi thường bị trêu là “đạo diễn Don Quixote”: “Tôi không muốn nhìn thấy phiên bản bình thường của thế giới này. Tôi luôn muốn có nhiều điều vui vẻ hơn thế”.
Nói về bộ phim tâm đắc, đạo diễn Gilliam đánh giá: “Vấn đề mà nhiều bộ phim khác làm về Don Quixote từng gặp phải, đó là người ta quá trung thành với nhà văn Cervantes. Nhưng bạn cần phải chơi với ông ấy, phải khác ông ấy đi, hãy chỉ để ông ấy là nguồn cảm hứng thôi”.
Vì vậy, Gilliam nhìn nhận Don Quixote qua lăng kính đương đại, trong phim của ông, nhân vật chính là Toby - một anh chuyên viên quảng cáo về thăm lại nơi mình từng “tập tọe” làm phim thuở còn là sinh viên điện ảnh. Ngay lập tức, Toby bị một ông lão đóng giày tưởng nhầm là… bác nông dân “cận vệ” Sancho Panza.
Chính ông lão đóng giày này ngày xưa từng được Toby giao vai Don Quixote gàn dở, kể từ ngày đóng phim xong, ông lão tội nghiệp cứ đinh ninh mình là… Don Quixote.
Hồi năm 2000, khi bắt tay vào làm phim, Gilliam muốn phim phải được quay tại Châu Âu, với dàn diễn viên ngôi sao, phim của ông ngay lập tức gặp khó khăn tài chính. Các diễn viên đa quốc gia nhận đóng phim ông cũng gặp khó khăn trong việc khớp lịch với nhau.
Đến khi xếp được lịch quay phim tại một khu bảo tồn thiên nhiên, họ gặp ngay phải một trận bão lớn, một dòng sông bùn lầy bất ngờ hình thành, cuốn phăng đi nhiều thiết bị của đoàn. Thoát bão, nam chính người Pháp - Jean Rochefort (1930-2017) - bất ngờ bị... thoát vị đĩa đệm, không thể cưỡi ngựa. Các nhà đầu tư thấy dự án này “đen”, liền rút, phim “chết” lần thứ nhất.
Trong khi tạm từ bỏ bộ phim, đạo diễn Gilliam vẫn làm những bộ phim khác, nhưng quả thực ông là... đạo diễn đen đủi. Chẳng hạn, ông đang làm phim thì nam chính qua đời, ông đang quay phim thì “cãi nhau to” với nhà sản xuất, hay đang chuẩn bị làm phim về đề tài tận thế thì xảy ra vụ khủng bố 11/9 và dự án liền bị “treo” vô thời hạn...
Gilliam là vậy, luôn đen đủi và vật vã. Với bộ phim về Don Quixote, Gilliam vẫn âm thầm tìm lối thoát cho phim, dù đi từ nản lòng này tới... thất vọng khác. Đến giờ nhìn lại, đạo diễn thở dài nói:
“Bộ phim đã thành huyền thoại, mà các nhà đầu tư không muốn làm việc với huyền thoại kiểu này đâu, họ muốn những thứ chắc ăn và ra tiền. Đó là lời nguyền của nhân vật Don Quixote đấy. Một nhân vật ngớ ngẩn luôn khiến các nhà đầu tư lo sốt vó”.
Đến năm 2015, dự án lại được rót vốn. Vai Don Quixote giao cho diễn viên người Anh John Hurt (1940-2017), nhưng rồi Hurt phải… điều trị ung thư tụy.
Đến tháng 3/2016, bộ phim có thêm một nhà sản xuất “nhập hội”, chính là Paolo Branco. Nhưng Branco không hỗ trợ được chút tài chính nào cho phim, còn khiến tiến độ phim thêm chậm.
Đến năm 2017, phim... bấm máy. “Cuối cùng, chúng tôi phải xoay xở thực hiện với mức kinh phí ít hơn nhiều so với kỳ vọng. Nhưng cả đoàn đều tâm huyết, dù thù lao chả đáng là bao, chỉ bởi họ muốn thấy bộ phim này được làm xong. Việc tôi bị ám ảnh bởi bộ phim và quyết không từ bỏ khiến họ được truyền cảm hứng. Họ cũng... ngốc nhỉ?!”, Gilliam tâm sự hài hước.
Điều an ủi cho Gilliam là sau ngần ấy biến động, cuối cùng, ông lại thấy diễn viên sau cùng được giao vai Don Quixote - Jonathan Pryce - đóng đạt nhất: “Tôi phải quên đi những lần thất bại trước đây, cùng với thời gian, những người mà tôi cộng tác cứ tốt hơn trước. Có lẽ đây mới đúng là lúc mọi thứ sẵn sàng”.
Các diễn viên tham gia phim đều chia sẻ rằng họ đã từng xem phim tài liệu “Lost in La Mancha” để hiểu về dự án phim “đen đủi kinh điển” này và họ đều thấy thương đạo diễn Gilliam, rằng tại sao ngần ấy khó khăn lại ập đến với một người đàn ông yêu điện ảnh như thế. Diễn viên và ê-kíp hậu trường đến với phim hóa ra chủ yếu là vì... thương đạo diễn.
Giờ đây, sau gần ba thập kỷ đau đáu, khi phim đã xong và chỉ còn chờ công chiếu ở Cannes, đạo diễn Gilliam lại bắt đầu lo lắng: “Bộ phim của tôi nói về những ảnh hưởng ghê gớm mà điện ảnh có thể tác động tới một con người. Nó như bộ phim tự sự của chính đời tôi. Giờ đây, tôi không còn dẻo dai như trước, không điên khùng và mạnh mẽ như trước…
“Khi mọi chuyện trục trặc, khó khăn xảy ra, tôi dễ đầu hàng hơn. Tôi lo lắng không biết rồi khi phim ra mắt liệu có đáp ứng kỳ vọng không. Đã có quá nhiều giai thoại xoay quanh dự án này. Nhiều người bảo tôi là kẻ ngốc mới đi làm xong phim này, đáng lẽ cứ để người ta mơ hồ về một dự án phim huyền thoại, một bộ phim làm mãi không xong.
“Bây giờ tôi làm phim xong rồi, chỉ để rồi bị phán xét, bình luận. Cũng có thể họ nói đúng, tôi đã lầm chăng? Đáng lẽ cứ để phim là một giấc mơ thì hơn nhỉ?!”.
Vậy điều gì đã khiến Gilliam phải làm phim đến cùng như vậy? “Đó là vấn đề y học, đó không phải là phim đâu, mà là khối u, tôi phải làm được bộ phim đó, giống như là cắt bỏ khối u. Tôi muốn nó biến ra khỏi cuộc đời mình, thật đấy!” - “đạo diễn Don Quixote” của điện ảnh đã nói như vậy.
Trailer “The Man Who Killed Don Quixote”
Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter/BBC