Hành trình bỏ phố về rừng, trồng chè sạch của những người trẻ
(Dân trí) - 24 tuổi, cô gái trẻ Thúy Vân quyết định rời Thủ đô náo nhiệt để về với quê hương Thái Nguyên, quyết tâm gắn bó với cây chè.
Rời bỏ công việc văn phòng ổn định, để trở về làm một cô nông dân nghĩ là dễ nhưng kể lại hành trình của mình những cảm xúc những ngày đầu khó khăn hiện về trong Thúy Vân (Đại Từ, Thái Nguyên).
Thúy Vân kể: "Bố mẹ mình là những người nông dân "chính hiệu", bươn chải quanh năm gắn bó với cây chè, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cốt để mong cho chúng mình có tương lai tốt đẹp hơn. Tuổi thơ mình gắn với những chiều hè nóng bức đi làm cỏ, hái chè, rồi những đêm sao trà thâu đêm cùng bố mẹ, mình cũng từng ghét cây chè vô cùng.
Cứ nghĩ cây chè làm khổ mình, làm bố mẹ vất vả, mình vừa bấm ngọn chè vừa nung nấu quyết tâm sau này sẽ thật thành công để rời khỏi quê hương, có công việc văn phòng để mưa chẳng tới mặt, nắng không đến đầu như nguyện ước của bố mẹ".
Học xong chuyên nghiệp, Vân ở lại Thủ đô lập nghiệp khoảng 3 năm, đó cũng là quãng thời gian Vân nhận ra có điều gì đó không đúng. "Hà Nội là miền đất đáng để mơ ước, cho tuổi trẻ nhiều trải nghiệm nhưng liệu có thực sự là cuộc sống mình mong muốn? Có đáng sống không? Mình cho rằng không", Vân khẳng khái.
Hà Nội trong Vân là những buổi sáng đi làm tắc đường chen nhau từng mét di chuyển, những chiều tan ca khói bụi xe cộ phả vào mặt nóng bức khiến Vân đôi khi cảm thấy ngột ngạt vô cùng.
Làm văn phòng, ngồi điều hòa mát mẻ nhưng Thúy Vân lại thấy nhiều khi cơ thể thật uể oải. Mỗi tối về nhà, bao quanh là căn phòng bốn bức tường chỉ có mình mình. Cảm giác nhớ nhà, nhớ những cánh đồi chè bạt ngàn, những cơn gió trong lành không khói bụi dâng tràn nhiều lúc làm Vân cay khóe mắt.
Đỉnh điểm là 3 lần Vân bị ngộ độc thực phẩm vì mua thức ăn không đảm bảo ở chợ, nhiều lần Vân tự hỏi: Mình đang sống ở đây vì điều gì? Khi sức khỏe ngày đi xuống? Tiền mình nhọc công kiếm ở thành phố phải chăng sau này để dành mua sức khỏe khi về già?
Vân nhớ về tuổi thơ với những trưa hè nằm lăn lê dưới hàng chè mà ngủ, là những trưa hè quây quần bên nhau dưới gốc cây hóng gió mà chẳng cần điều hòa máy lạnh. Vân xin nghỉ phép để về quê mong tìm lại cảm giác đó, hòa cùng thiên nhiên hóng gió trời bao la, mát trong…
Về quê, Vân thoải mái dưới nếp nhà giản dị. Những chiều ngồi ngoài cổng nhà hóng gió, cô bác nông dân từ những đồi chè trở về, trên vai là những bình phun, hơi thuốc theo gió bay về khiến Vân cũng ngửi thấy.
Bất giác, Vân thấy trong mình như mất đi những điều thật quý giá, đó là sự thuần khiết của tự nhiên mà hồi nhỏ Vân có được. Từ khi ấy, Vân ấp ủ kế hoạch trở về quê để bắt đầu làm nông nghiệp, trồng cây chè theo hướng thuần tự nhiên - bền vững.
6 tháng sau, Vân vẫn tiếp tục công việc ở Hà Nội để có tiền trang trải cho vườn chè giai đoạn cải tạo ban đầu. Rồi một năm sau đó, Vân chính thức trở về quê nhà từ tháng 3 năm 2019. Trở về, Vân gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là sự phản đối của bố mẹ.
"Hơn một năm ròng về nhà mình không thể kết nối với bố mẹ, quyết định về quê của mình khiến bố mẹ thất vọng rất nhiều. Hàng xóm bàn tán ra vào, họ bảo chắc mình có vấn đề gì trên thành phố mới về quê nghèo để lập nghiệp. Ai đến chơi hỏi bố mẹ mình nghề gì, bố mình chỉ trả lời vu vơ: "Nó làm tự do".
Hỏi mình có buồn không, đúng là buồn lắm nhưng đó cũng là động lực to lớn để mình quyết tâm theo đuổi con đường này", Vân nhớ lại.
Thấy Vân trồng chè theo hướng tự nhiên, người trong vùng hoài nghi, quanh năm chăm bón phân thuốc còn chẳng ăn ai, đằng này thứ không phân thuốc mà đòi làm được chè. Mặc kệ những hoài nghi ấy, Vân tiếp tục đi từng bước dù là nhỏ nhất, bằng phương pháp xen canh, nuôi cỏ dưỡng đất chẳng giống ai.
Những trưa nắng gắt, 35-40 độ, búp chè trên đồi của Vân vẫn non mơn mởn, trong khi ấy chè của những đồi khác được người dân chăm sóc kỹ lưỡng lại bị ẻo lả, gục đầu trước cái nắng. Dần dần mọi người cũng tin theo phương pháp của Vân. Người trong vùng gọi Vân là đứa "chè sạch".
Theo dõi hành trình về quê lập nghiệp của Vân, chị gái Vân quyết định bỏ 10 năm biên chế giáo viên để về quê cùng em san sẻ. Và rồi Vân có cho mình những người bạn đồng hành, từ cô bé con nhà phố đến cơm cũng không phải nấu, đã lựa chọn về Thái Nguyên cùng Vân mà chẳng quản ngày đêm, lên rừng vượt suối không ngại gian khổ.
Rồi chàng trai trẻ Phạm Quang, dáng vẻ thư sinh như con nhà phố, cũng từng bôn ba qua hai miền Nam Bắc khi nghe câu chuyện khởi nghiệp của Vân cũng đã tìm kiếm mà quyết định trở về gắn bó với cây chè.
Anh rể Vân, một viên chức nhà nước cũng chẳng quản ngại mà từ bỏ công việc nhà nước trở về cùng vợ xây dựng nên ngôi xưởng nhỏ, chứa đựng những say mê lớn của tất cả 5 con người.
Và hơn hết là sự ủng hộ, hỗ trợ của bố mẹ Vân, bố cô luôn háo hức mời trà đến những vị khách ghé nhà chơi "trà sạch tự nhiên đó".
Tất cả 5 người cứ thế đồng hành cùng nhau, có những ngày trời mưa trơn trượt leo lên núi rồi bị ngã, có những khi nắng hè 40 độ khiến những giọt mồ hôi rơi ướt như tắm. Rồi những lần vác bao chè nặng đè nhức đôi vai, hay những bữa trưa ăn vội nắm cơm muối vừng trên lưng núi. Không có chỗ ngả lưng nghỉ trưa, chỉ có những câu chuyện vui giúp tinh thần làm việc của cả đội lúc nào cũng phấn chấn. Leo đồi chè cả ngày đến nỗi cuồng chân, tối về ai nấy đôi chân nhức mỏi không ngủ được…
"Những người trẻ như chúng mình đã mạnh dạn bước ra khỏi vòng an toàn. Tương lai thành công tới đâu mình chưa biết nhưng hiện tại mình rất bằng lòng và hạnh phúc với cuộc sống và lựa chọn của mình.
Nếu ai đó hỏi Vân rằng: "Ở phố, hay ở quê? Đâu mới là nơi mình nên ở? Thì Vân chọn ở đâu để được là chính mình, được yêu, được say mê với công việc mình làm, được an vui khỏe mạnh hơn thì nơi đó thuộc về mình.
Vân cũng tin rằng vốn tự nhiên đã đủ đầy cho tất cả, để những đứa con quê như mình trở về bên mẹ thiên nhiên, hòa hợp cùng cỏ cây mà gây dựng những giấc mơ con".