Hãng phim truyện Việt Nam đã có chủ mới sau nhiều lùm xùm kéo dài
(Dân trí) - Sáng nay (12/7), Cục Điện ảnh Việt Nam đã tiến hành sơ kết công tác điện ảnh 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2017. Tại sự kiện này, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) thông báo hoàn tất thủ tục cổ phần hoá.
VFS đã hoàn tất việc cổ phần hoá
Tại sự kiện này, đạo diễn Vương Đức - Nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) cho biết, VFS đã hoàn tất việc cổ phần hoá và tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất vào ngày 20/5/2017 để bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).
Theo đó, ông Nguyễn Danh Thắng là Giám đốc công ty Vận tải thuỷ (đơn vị nắm tới 65% cổ phần) được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Có hai nhân sự đại diện cho phần vốn nhà nước được bầu vào HĐQT là Trưởng phòng quay phim và Kế toán trưởng của VFS cũ.
Theo luật, đạo diễn Vương Đức sẽ đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc nhưng vì sắp đến tuổi nghỉ hưu nên chỉ đảm nhận Phó Giám đốc phụ trách. Ông muốn người trẻ kế nhiệm ông đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc để điều hành VFS tốt hơn.
Theo báo cáo, VFS đã đi vào hoạt động bắt đầu từ 23/6/2017 và hiện đang cung cấp một phần dịch vụ cho dự án phim “Những nơi tận cùng thế giới” (Pháp) và “Người bất tử”.
Trước đó, việc cổ phần hoá VFS đã vướng phải những lùm xùm như: thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0 đồng; hàng nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp; Tổng Cty Vận tải thủy thâu tóm đến 65% cổ phần.
Thực tế này khiến nhiều nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu rất bức xúc. Các nghệ sỹ như: NSND Nguyễn Thanh Vân, NSƯT Nguyễn Đức Việt, NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSƯT Đức Lưu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, hoạ sĩ - NSƯT Vũ Huy đã cùng ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hoá đối với VFS...
Sau khi có kết quả, nhiều nghệ sĩ điện ảnh vẫn không đồng tình với cách xác định giá trị thương hiệu VFS và kết quả cổ phần hoá hãng phim này. Nhiều nghệ sĩ đã nhờ tới luật sư để bảo vệ đến cùng VFS. Tuy nhiên, đến nay công việc cổ phần hoá đã được hoàn tất trong bí mật.
Được biết, trong hơn 50 năm tồn tại, dù nhiều năm rơi vào thua lỗ, nợ nần nhưng VFS đã sản xuất hơn 300 bộ phim, trong đó nhiều bộ phim là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội…
Còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập
Cũng theo báo cáo tại buổi sơ kết của Cục Điện ảnh, tính đến 9/6, Cục Điện ảnh đã thẩm định 168 phim, trong đó có 16 phim truyện chiếu rạp Việt Nam được cấp phép phổ biến, 111 phim truyện nước ngoài được cấp phép phổ biến (10 phim truyện nước ngoài không được phổ biến), 5 phim truyện video, 6 phim tài liệu nhựa và 20 phim tài liệu video. Ngoài ra, Cục cũng đã quyết định cho phép giới thiệu 116 phim truyện, 9 phim ngắn, 7 phim tài liệu, 14 phim hoạt hình và 5 video art thuộc dạng phim nước ngoài phi thương mại.
Tính đến tháng 6/2017, trong cả nước đã có 628 phòng chiếu với 94.905 ghế và cấp 17.530 tem nhãn quản lỹ đĩa hình cho các đơn vị sản xuất - phát hành phim.
Về công tác tổ chức và phát triển phim, Công ty TNHH MTV hãng Phim truyện Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch sản xuất phim điện ảnh “Người yêu ơi” và xây dựng kế hoạch - chờ thẩm định một số phim truyện truyền hình: “Thành phố bên sông Cầu”, “Vỡ bờ”, “Rừng U Minh”…
Công ty Cổ phần Phim truyện I nâng cao kịch bản phim truyền hình “Nhớ mãi” (30 tập) ca ngợi tình hữu nghị Việt - Lào, đồng thời chuyển kịch bản sang thể loại phim điện ảnh để trình các cơ quan có thẩm quyền. Khai thác 6 phim điện ảnh, 4 kịch bản phim video 90 phút.
Đầu tư 2 kịch bản phim video (30 tập/bộ) gửi đối tác hợp tác sản xuất tại TP.HCM. Thực hiện một số dự án phim ngắn, phim phóng sự thực hiện theo yêu cầu đặt hàng.
Sản xuất phim truyện video “Mẹ ơi! Con đã về” (90 phút) kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Hoàn thiện kịch bản và chọn bối cảnh để sản xuất phim truyện điện ảnh “Lính chiến”.
Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng hoàn thành sản xuất và đã được cấp phép phim dài tập “Cao hơn bầu trời”, phim tài liệu “Lối đi xanh”, phim hoạt hình “Khúc nhạc diệu kỳ”, phim video “Thạch và thuỷ”.
Chuẩn bị đưa vào sản xuất các phim: “Hợp đồng bán mình”, Đảo xa, “Nước đầu nguồn”, “Hãy nhặt rác” (phim hoạt hình), “Giữ đất”, “Đất gọi”, “Sống giữa yêu thương”, “Người chợ nổi Cái Răng” (phim tài liệu).
Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng đang thực hiện phim “Người anh hùng áo vải”, “Bố của vịt con”, “Ngôi sao xanh kỳ lạ”, “Con cóc Bitus - Hành tinh hoa quả”, “Quả chín lìa cành”…, 2 phim đang trình thẩm định và 3 phim chuẩn bị đưa vào sản xuất.
Đề cập đến những khó khăn, báo cáo của Cục Điện ảnh cho biết, Cục đã chuẩn bị xúc tiến các dự án phim tuy nhiên chưa thể bắt tay vào sản xuất vì chưa được cấp kinh phí; công tác cổ phần hoá tiến hành còn chậm gây bất ổn trong hoạt động kinh doanh. Một số hãng phim thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng không được đầu tư dẫn đến thiết bị lạc hậu, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên thị trường. Đời sống nghệ sĩ còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của điện ảnh.
Hà Tùng Long