An Giang:
Hàng nghìn người xem lễ hội đua bò Bảy Núi sau 2 năm bị gián đoạn
(Dân trí) - Tham gia tranh tài giải đua bò truyền thống huyện Tri Tôn năm nay có 25 cặp bò. Qua 1 ngày thi đấu, cặp bò của ông Nguyễn Thành Toàn xuất sắc giành giải nhất.
Ngày 18/9, tại Khu du lịch Tà Pạ-Soài Chek, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) diễn ra Lễ hội đua bò truyền thống huyện Tri Tôn năm 2022. Tham gia lễ hội có 25 cặp bò đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn.
Ông Trần Minh Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, sau 2 năm bị gián đoạn vì Covid-19, năm nay lễ hội đua bò truyền thống của đồng bào Khmer huyện Tri Tôn tiếp tục được tổ chức đúng vào dịp đồng bào Khmer Nam Bộ, cũng như bà con Khmer tỉnh An Giang nô nức đón mừng lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) truyền thống.
Bước vào tranh tài, 2 đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức đấu một vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và một vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất để về đích) chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo.
Trên đường đua, nếu đôi bò nào phạm quy như tự ý ra khỏi đường đua, giẫm lên bừa của đôi bò trước sẽ bị loại, cặp bò còn lại sẽ giành chiến thắng tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Cặp bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng "đối thủ" cạnh tranh trực tiếp.
Kết quả, cặp bò mang số đeo 23 của ông Nguyễn Thành Toàn, ở xã Lương Phi đã xuất sắc giành giải nhất; cặp bò mang số đeo 02 của ông Chau Kim Cheng, ở xã Núi Tô giành giải nhì; cặp bò mang số đeo 16 của ông Chau Nanh Ni, ở xã Núi Tô giành giải ba.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải điều khiển bò giỏi nhất cho Nguyễn Thành Toàn, ở xã Lương Phi và 4 giải khuyến khích.
Đây là hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi và duy trì môn thể thao cổ truyền mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) nói riêng, và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, ngày hội còn là sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng.