Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023

Toàn Vũ Thanh Thúy

(Dân trí) - Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023 được dàn dựng công phu theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, trong đó các hình thức di sản văn hóa của Việt Nam làm ngôn ngữ chủ đạo.

Tối 21/4 (tức ngày 2/3 Âm lịch), tại Quảng trường Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ), diễn ra Lễ khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, nơi hội tụ giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc.

Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023 - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có mặt dự buổi lễ khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2023.

"Hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, phồn vinh và hạnh phúc", ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh .

Với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương", phần văn nghệ khai mạc tối 21/4 có hơn 400 diễn viên chuyên nghiệp và hàng trăm diễn viên quần chúng tham gia các tiết mục, thể hiện sự tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn. 

Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023 - 2

Lễ khai mạc có sự tham gia của hơn 400 nghệ sỹ và hàng trăm diễn viên quần chúng.

Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023 - 3

Khán giả xem chương trình có dịp tìm hiểu các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam.

Mở đầu là tiếng trống đồng âm vang cùng với múa cờ, 100 nghệ nhân hát Xoan và 200 em học sinh tiểu học là con cháu của các nghệ nhân 4 phường Xoan của Phú Thọ đồng thanh thể hiện làn điệu hát Xoan truyền thống của đất Tổ. Màn trình diễn cho thấy ở địa phương luôn có sự giao truyền thế hệ, gìn giữ di sản, bản sắc dân tộc.

Chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng công phu, quy mô hoành tráng theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, trong đó các hình thức di sản văn hóa của Việt Nam làm ngôn ngữ chủ đạo. Âm nhạc, lời bình làm nhiệm vụ kết nối các tiết mục và diễn giải nội dung mang tính nghệ thuật cao, nổi bật không gian lễ hội, đậm nét văn hóa các vùng, miền.

Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023 - 4

Nhiều hoạt động nghệ thuật thú vị thu hút người dân và du khách thập phương.

Bên cạnh đó, khán giả xem chương trình có dịp tìm hiểu các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như Hát Then, Hát Ca Trù, nghệ thuật Xòe Thái, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ...

Các di sản được giới thiệu xuyên suốt liên tục trên sân khấu. Qua sự dàn dựng của ê kíp sáng tạo, bằng thiết kế của nghệ thuật, phối khí, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh…, chương trình tôn vinh các vùng, miền di sản nổi tiếng, giúp khán giả cảm nhận được giá trị của di sản gốc một cách tốt nhất.

Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023 - 5

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam xúc động bày tỏ: "Thay mặt cho UNESCO, tôi rất vinh dự khi có mặt tại lễ kỷ niệm này. Di sản văn hóa phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người trên thế giới.

Việt Nam vẫn luôn là một thành viên tích cực nhất của UNESCO, chia sẻ về bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa". 

Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 21 - 28/4 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. 

Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng năm 2023 rơi vào đúng dịp kỳ nghỉ lễ 30/4, nên địa phương dự kiến đón 8 triệu lượt khách.