Thanh Hóa:

Hàng nghìn người đội mưa dự lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt

(Dân trí) - Sáng ngày 26/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, hàng nghìn người dân và du khách đã có mặt để chứng kiến Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và tham gia lễ hội Lam Kinh năm 2013.

Bắt đầu từ ngày 25/9, người dân trong vùng và du khách từ khắp mọi miền đã hành hương về với Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân để dâng hương, tưởng niệm và tham gia chương trình lễ hội Lam Kinh năm 2013, kỷ niệm 595 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Đặc biệt để chứng kiến buổi lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Người dân địa phương và du khách hành hương về Khu di tích lịch sử Lam Kinh tham gia lễ hội.
Người dân địa phương và du khách hành hương về Khu di tích lịch sử Lam Kinh tham gia lễ hội.

Ngược dòng lịch sử, Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi - người có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ lực lượng đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh.

Tại đây, các kiến trúc điện, miếu…được xây dựng. Hiện nay còn một số công trình tiêu biểu như: Chính điện Lam Kinh; Thái miếu; Sân rồng; Đông trù; Tả vu, Hữu vu; Tây thất; Cầu Bạch; hệ thống tường thành; lăng mộ Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng….

Ngoài các kiến trúc kể trên, trong khu vực Lam Kinh còn hệ thống công trình phụ trợ cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.

Người dân đội mưa xem lễ hội Lam Kinh năm 2013.
Người dân đội mưa xem lễ hội Lam Kinh năm 2013.

Tại đây vào dịp tháng 8 âm lịch hàng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng giải phóng dân tộc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, đời sống ấm no, hạnh phúc…

Mới đây, ngày 22/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt. Gần 6 thế kỷ đã trôi qua, với biết bao biến cố và thăng trầm của lịch sử đất nước, Lam Kinh luôn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ.

Người dân đội mưa xem lễ hội Lam Kinh năm 2013.
Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UB trung ương MTTQ Việt Nam ông Nguyễn Thiện Nhân trao bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Những hoạt cảnh được tái hiện lại trong khuôn khổ chương trình lễ kỷ niệm đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của mỗi người con nơi vùng đất Lam Kinh và bao thế hệ người con đất Việt hôm nay.

Vẫn còn đó hào khí của Hội thề Lũng Nhai, vẫn còn đó hào khí Lam Sơn dậy nghĩa, tạo thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc... Bình Ngô Đại Cáo - bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ta được Nguyễn Trãi tổng kết; đó còn là một cuộc chiến tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Lễ hội Lam Kinh nhằm mục đích hướng về cội nguồn nhằm tôn vinh triều đại nhà Lê và các anh hùng dân tộc đã làm rạng danh cho non sông đất nước.

Những hoạt cảnh tái hiện lại không khí hào hùng một thời của nghĩa quân Lam Sơn.

Những hoạt cảnh tái hiện lại không khí hào hùng một thời của nghĩa quân Lam Sơn.
Những hoạt cảnh tái hiện lại không khí hào hùng một thời của nghĩa quân Lam Sơn.

Lễ đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt là thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với Di sản văn hóa của cha ông để lại; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam…

Sáng ngày 26/9, hàng nghìn người dân địa phương và di khách khắp nơi đã hành hương về Khu di tích Lam Kinh để dâng hương, tưởng niệm người Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Mặc dù thời tiết đổ mưa, nhưng dòng người vẫn nườm nượp hướng về khu sân Rồng để được sống lại một thời hào hùng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ông cha ta.

Cũng trong sáng 26/9, Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam ông Nguyễn Thiện Nhân đã trao bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Thế hệ hôm nay được sống lại với khí thế hào hùng của cha ông ta.
Thế hệ hôm nay được sống lại với khí thế hào hùng của cha ông ta.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Việc Lam Kinh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và xây dựng đất nước. Thể hiện sinh động các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nói riêng.

Đây là tài sản văn hóa vô giá của nhân dân Thanh Hóa và các dân tộc, cần được quyết tâm bảo vệ và phát huy; là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung…

 
Duy Tuyên