Thanh Hóa:

Hàng nghìn người đến phiên chợ “đánh nhau” để cầu may

(Dân trí) - “Chết bỏ con, bỏ cháu/Sống không ai bỏ mồng 6 chợ Chuộng” - đó là câu nói dân gian mà người xưa đã truyền lại bao đời nay. Đến hẹn lại lên, cứ mùng 6 Tết nguyên đán cổ truyền hàng năm, hàng nghìn người dân lại kéo nhau về phiên chợ Chuộng để được “đánh nhau” cầu một năm mới may mắn, bình an.

Phiên chợ độc đáo này đã có hàng trăm năm và chỉ tổ chức mỗi năm đúng một lần vào ngày mùng 6 Tết tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chợ thường diễn ra từ sáng sớm cho đến trưa cùng ngày là tan.

Cứ đến mùng 6 âm lịch hàng năm, người người ở khắp nơi đổ về chợ Chuộng ở Đông Hoàng để ném nhau cầu may mắn
Cứ đến mùng 6 âm lịch hàng năm, người người ở khắp nơi đổ về chợ Chuộng ở Đông Hoàng để ném nhau cầu may mắn

Theo các cụ cao niên trong làng thì nguồn gốc diễn ra phiên chợ này có từ thời nhà Lê. Vào mùng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây, để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân lính cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến tưởng đó chỉ là phiên chợ quê bình thường, không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bị bất ngờ không kịp trở tay và bị đánh tan tác. Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, cứ ngày mùng 6 Tết người dân lại nô nức đến đây để họp chợ.

Chợ Chuộng nằm ở một địa thế khá đẹp, là dải đất rộng ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn. Từ sáng sớm, phiên chợ đã tấp nập người ra vào, cảnh già trẻ, gái trai… nối đuôi nhau vào chợ cho thấy phiên chợ này thu hút người tham gia như thế nào.

Chiếc cầu tre được dựng tạm để người dân hai huyện Triệu Sơn và Đông Sơn qua lại
Chiếc cầu tre được dựng tạm để người dân hai huyện Triệu Sơn và Đông Sơn qua lại

Với người dân nơi đây, đến tham gia phiên chợ Chuộng đầu năm họ sẽ trút bỏ những xui xẻo và gặp được nhiều may mắn trong năm mới. Cũng vì vậy, mà ông bà xưa vẫn truyền miệng nhau: “Chết bỏ con, bỏ cháu/Sống không ai bỏ mồng 6 chợ Chuộng”, họ tâm niệm, nếu ai bỏ lỡ phiên chợ Chuộng thì cả năm ấy làm ăn thất bát, gặp nhiều rủi ro. Như thành một phong tục, cứ mùng 6 Tết, già trẻ, gái trai khắp nơi trong vùng lại tìm đến chợ Chuộng để cầu may. Con cháu ở xa về ăn Tết vẫn thường nán lại đi phiên chợ.

Nét độc đáo của phiên chợ này chính chợ không buôn bán những hàng hóa đắt giá, chỉ bán những đồ ăn dân dã, đặc biệt thứ hàng hóa không thể thiếu trong chợ Chuộng là cà chua và trứng gà. Đây là hai “nguyên liệu” chính dùng để “choảng nhau” cầu may dịp đầu năm.

Hàng nghìn người đến phiên chợ “đánh nhau” để cầu may - 3
Những thứ hàng hóa dân dã được bán ở chợ Chuộng
Những thứ hàng hóa dân dã được bán ở chợ Chuộng

Đặc biệt là màn đánh nhau giữa tốp thanh niên làng này với làng khác, giữa nhóm này với nhóm kia bằng cà chua chín đỏ, ai bị ném nhiều cà chua vào người thì người đó năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, bình an.

Hàng nghìn người đến phiên chợ “đánh nhau” để cầu may - 5
Độc đáo ở phiên chợ chuộng là ném nhau để cầu bình an, may mắn
Độc đáo ở phiên chợ chuộng là ném nhau để cầu bình an, may mắn

Một số năm về trước, chợ Chuộng đã phần nào mất đi vẻ độc đáo của nó khi nhiều cuộc “đánh nhau” cầu may trở thành đánh nhau thật sự khiến nhiều người sứt đầu mẻ trán. Mọi thù hằn cá nhân, hay bực tức của thanh niên làng này với làng khác, người này với người kia đã được họ đem về chợ Chuộng để “giải quyết”. Tuy nhiên, vài năm gần đây, chính quyền xã Đông Hoàng đã vào cuộc quyết liệt nên tình trạng đánh nhau đã được giảm đi phần nào.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm