Hàng ngàn khán giả xúc động trước ca khúc “Tự nguyện”

(Dân trí)- “… Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”- chưa bao giờ ca khúc “Tự nguyện” vang lên lại khiến người Việt Nam xúc động đến thế. Ca khúc được Trương Quốc Khánh sáng tác cho phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" năm 1968.

  
Tối qua, trong đêm chung kết trao giải VietNam Idol mùa thứ 5, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bất ngờ dành tặng khán giả ca khúc “Tự nguyện” vào phần kết của chương trình. Thay vì hát ca khúc mừng chiến thắng như “truyền thống”, quán quân thần tượng âm nhạc mùa thứ 5 đã hát ca khúc “Tự nguyện” của nhạc sỹ Trương Quốc Khánh (thơ Tố Hữu), phần trình diễn đã khiến đông đảo khán giả xem truyền hình xúc động.
 
Ngày 12/5, đông đảo cư dân mạng đã cùng nhau chia sẻ sự xúc động trước ca khúc “Tự nguyện” của Nhật Thủy Idol (quán quân thần tượng âm nhạc mùa thứ 5) trên khắp các diễn đàn âm nhạc và mạng xã hội. Chưa bao giờ, những ca từ như “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương…” lại khiến người Việt Nam xúc động đến thế.
 
Khán giả xúc động trước ca khúc “Tự nguyện”
Nhật Thủy- Quán quân thần tượng âm nhạc mùa thứ 5 biểu diễn ca khúc "Tự nguyện" sau khi đăng quang tối 11/5

Khi câu chuyện về chủ quyền biển đảo đang sôi sục, mỗi ca từ, mỗi giai điệu của “Tự nguyện” dường như đã thổi bùng lên lòng tự tôn, kiêu hãnh của cả dân tộc.

Ca khúc “Tự nguyện” được nhạc sỹ Trương Quốc Khánh sáng tác dựa trên ý thơ của nhà thơ Tố Hữu. Ca khúc ra đời trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" năm 1968. Trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", nhạc sỹ Trương Quốc Khánh là Phó trưởng đoàn Văn nghệ Sinh viên Học sinh Sài Gòn. Cùng với các nhạc sỹ khác như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh… nhạc sỹ Trương Quốc Khánh đã sáng tác để đẩy mạnh phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe".

"Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi cùng hát" là một phong trào đấu tranh đòi hòa bình dưới hình thức văn nghệ, âm nhạc, thơ ca... trên trận tuyến văn hóa, tư tưởng, được tổ chức bởi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam. Về chính trị, phong trào này vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, phản đối Mỹ leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam… năm 1968.

Sau giải phóng, nhạc sỹ Trương Quốc Khánh lần lượt giữ các chức vụ Phó Tổng Thư ký, Tổng Biên tập Báo Sân Khấu, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài vai trò là nhạc sĩ, ông còn là một nhà báo, nhà biên kịch. Ông là tác giả kịch bản phim Đàn chim và cơn bão (đạo diễn Cao Thụy) và một số kịch bản cải lương, kịch nói khác. Năm 1984, ông đoạt giải thưởng Báo chí thành phố Hồ Chí Minh với phim phóng sự tài liệu Nỗi đau này không của riêng ai (tên khác là Ma túy – SOS) cùng đạo diễn Mỹ Hà.

Ngoài ca khúc Tự nguyện, nhạc sỹ Trương Quốc Khánh còn có những ca khúc nổi tiếng khác như: Bài ca cho người đi giữ quê hương, Hát trong làn khói đạn, Sức mạnh nhân dân… Tháng 6/1999, nhạc sỹ Quốc Khánh từ trần tại nhà riêng và được án táng tại nghĩa trang TpHCM.

Mời độc giả cùng nghe ca khúc “Tự nguyện” với phiên bản trình bày của ca sỹ Uyên Linh:
 

 

H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm