Hà Tĩnh:
Hai mươi năm ngôi trường tự hào mang tên Đại thi hào dân tộc
(Dân trí) - Sáng nay (16/6), Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập trường (1996 - 2016)
Tới dự lễ kỷ niệm có ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, lãnh đạo, cán bộ nhân viên nhà trường cùng đông đảo các thế hệ học sinh, sinh viên.
Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Tĩnh tiền thân của Trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du được thành lập vào ngày 15/6/1996.
Trước sự thay đổi của hệ thống giáo dục quốc dân, trước yêu cầu đổi mới về đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa quê hương đất nước, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã quyết định thành lập chuyển thành Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Du.
Tự hào là ngôi trường mang tên Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên các thời kỳ đã phấn đấu nỗ lực và dành được nhiều thành tích đáng trân trọng và là một địa chỉ mới đào tạo bậc cao đẳng uy tín về các lĩnh vực đặc thù trên chính dải đất Hồng Lam - địa linh nhân kiệt.
Và sự xuất hiện của các ca sĩ nổi tiếng như NSƯT Tố Nga, ca sĩ Đinh Thành Lê... là những cựu học sinh của trường
20 năm qua đã có hơn 3 ngàn học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện dưới mái trường này. Thành tích đào tạo các HSSV các chuyên ngành đào tạo đặc thù về Âm nhạc, Hội họa, Sư phạm âm nhạc, Sân khấu, Múa… đã góp phần không nhỏ làm cho bức tranh đời sống tinh thần, thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân Hà Tĩnh ngày càng thêm phong phú. Nhiều thế hệ HSSV của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý tại nhiều trung tâm, cơ sở văn hóa. Và đặc biệt rất nhiều em HSSV của trường đã thành danh trở thành các nghệ sỹ, ca sĩ được hâm mộ như NSƯT Vành Khuyên, NSƯT Tố Nga, ca sĩ Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận, Trần Thụy Miên…
Sau 20 năm nhà trường đã có một lực lượng lớn mạnh gấp 10 lần, 100% đạt chuẩn, 25% có trình độ trên đại học. Quy mô từ 6 mã ngành đào tạo với trên 200 học sinh thì đến nay đã có 26 mã ngành, mã nghề ở nhiều trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng với trên 800 học sinh, sinh viên.
Ngoài ra trường còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ nguồn, nòng cốt của ngành, của tỉnh.
Với những đóng góp to lớn trong suốt 20 năm qua, trường đã được các cấp ngành ghi nhận. Nhiều năm liền trường được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT-DL… Đặc biệt, năm 2011, Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những thành tích đóng góp của nhà trường suốt chặng đường 20 năm qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Dưới mái trường này đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên được đào tạo và công hiến cho nghệ thuật, cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, các em đã trở thành những hạt nhân, những nòng cốt trong phong trào văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà. Nhiều em đã trở thành những ca sĩ, nghệ sỹ nổi tiếng như NSƯT Vành Khuyên, NSƯT Tố Nga, ca sĩ Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận…”.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học, công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu các mã ngành đào tạo…
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà trường cần chú trọng xây dựng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ, giảng viên…. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo các mã ngành, chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đào tạo các mã ngành mới, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo, nâng cấp trường, xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…
Cũng tại buổi lễ này, lãnh đạo tỉnh thay mặt Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen cho 3 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thời gian vừa qua.
Xuân Sinh - Phan Thảo