Hài là khóc lên tiếng cười và cười ra nước mắt

Tình trạng hài nhảm, hài tục đang diễn tiến tràn lan, phi định hướng, phi thẩm mỹ, và nguy cơ thành thảm họa đang nhỡn tiền

Tôi đọc báo mấy ngày qua thấy một tín hiệu tích cực truyền đi từ Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long (THVL) trong việc ngăn chặn hài nhảm, hài tục trên sóng của đài này bằng việc không đồng ý cho Trấn Thành tham gia chương trình game show nhí sắp lên sóng vì không phù hợp. Quyết định của Đài Vĩnh Long nói thay nỗi bức xúc của công chúng về hài nhảm, hài tục đang xâm lấn mạnh mẽ truyền hình cả nước, không những trong chương trình dành cho công chúng người lớn, mà đáng lo ngại nhất là những chương trình dành cho trẻ em diễn và cho trẻ em xem.

Nhớ lại các bé con của chương trình “Biệt tài tí hon”. Hầu như tất cả bé trai và bé gái khi được hỏi về thần tượng hoặc lớn lên muốn trở thành ai, đều nhất loạt trả lời: chú Trấn Thành! Chao ôi, nếu quả là như thế thì sự giáo dục nghệ thuật thẩm mỹ cho trẻ em Việt về biểu diễn và thưởng thức cái hài sân khấu sẽ đi đến bến bờ nào của thảm họa truyền hình đây? Rồi biết bao trẻ em Việt hôm nay sẽ ngộ nhận, ảo tưởng mình là thiên tài, là ngôi sao sáng nhất trên trời, là tài năng nhí, là mặt trời chói lọi, là mặt trăng diễm huyền, là bậc nhất dễ thương… để rồi sau đó bàng hoàng rơi vào hố thẳm của hiện thực nghiệt ngã, không bao giờ trải toàn hoa hồng cả. Các em chẳng qua chỉ là phương tiện hữu hiệu cho người lớn kiếm tiền thôi…

Tình trạng hài nhảm, hài tục đang diễn tiến tràn lan, phi định hướng, phi thẩm mỹ và nguy cơ thành thảm họa đang nhỡn tiền. Làm thế nào để khôi phục và phát triển tiếng cười sạch và tử tế trên truyền hình, đặc biệt là trên sân khấu diễn hài ở các đô thị lớn hiện nay? Và ai sẽ là người trả lại cho sân khấu hài tiếng cười tử tế?


Thách thức danh hài là một trong những chương trình bị cho là nhảm. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Thách thức danh hài là một trong những chương trình bị cho là nhảm. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Trên phương diện triết học và mỹ học, hài kịch là một phạm trù thẩm mỹ căn bản bên cạnh bi kịch và chính kịch. Do đó, hài kịch chính là nghệ thuật của trí tuệ, nhất là khi tiếng cười hài kịch được sử dụng như một phương pháp tối ưu nhằm “giã từ quá khứ một cách vui vẻ” (Marx). Phương pháp giã từ này, bản thân nó không chấp nhận cái cười dễ dãi, dung tục, phản cảm, sống sượng… với những chiêu trò sân khấu thấp kém, rẻ tiền. Tiếc thay, trên truyền hình Việt của thập niên thứ hai thế kỷ XXI vẫn chấp nhận chiêu trò kiểu này, như gây cười bằng khiếm khuyết trên thân thể người: răng vẩu, chân thọt, mắt lác, mồm méo hoặc nghệ sĩ nam thi nhau đóng vai giả gái trên sân khấu, trên truyền hình. Họ sẵn sàng mang chuyện đời tư nghệ sĩ, chuyện phòng the riêng tư ra bỡn cợt. Truyền hình thực tế hôm nay, không biết vô tình hay hữu ý, tôi cho là hữu ý, khi phỏng theo những format (định dạng) đặc sệt của nước ngoài, không chịu Việt hóa nhuần nhị, tử tế, đã góp phần biến nhiều nghệ sĩ thành “tự nhiên chủ nghĩa”, buông thả trong lối diễn suồng sã, phóng túng, phi kịch bản, diễn cương, chẳng hề tuân thủ một ý đồ tư tưởng, một thông điệp rõ ràng nào. Cứ diễn cương, tung hứng thoải mái, tới đâu thì… tới đó nên có thể quậy tưng tới bến… tự nhiên chủ nghĩa!

Cho nên, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Làm cho diễn hài của hôm nay ngày càng phi thẩm mỹ, rối loạn và bung bét về biểu diễn trên truyền hình và sân khấu, ngoài những lý do từ nhà tổ chức sản xuất, từ lãnh đạo đài thì việc đầu tiên phải giác ngộ và điều chỉnh chính là nghệ sĩ hài, những người đích thân biểu diễn hài, những ông hoàng bà chúa của sân khấu biểu diễn.

Cho nên, trước hết là phải có kịch bản hài tử tế với những xung đột, cao trào thực sự mang tính hài kịch, cười lên tiếng cười tử tế trước thói đời xấu xa, những chuyện phải giã từ để tiến lên đúng hướng của xã hội Việt Nam hiện đại đang oằn mình vất vả giải quyết bi kịch của sự phát triển từ một xã hội nông nghiệp bảo thủ trì trệ, mang nặng căn tính nông dân đến một xã hội dân chủ công bằng, văn minh, trong những mục tiêu mới và sáng sủa: hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Không phải tất cả nghệ sĩ hài kịch hôm nay đều bị vướng vào hài nhảm. Có nhiều nghệ sĩ đã nói không với hài nhảm, như ở sân khấu TP HCM là các nghệ sĩ Hữu Châu, Thành Lộc, Hoài Linh, Thành Hội… Và cần nói không rất mạnh mẽ với chuyện diễn hài phi kịch bản, từ đó nói không với diễn cương và nói chung với diễn tục và nhảm. Bởi lẽ, nghệ sĩ hài chính là chủ thể sáng tạo hài kịch.

Hơn ai hết, họ phải hiểu rõ sự nhảm, tục chỉ phục vụ được một bộ phận khán giả không tiêu biểu. Số đông khán giả tiêu biểu, với dân trí ngày càng cao, luôn đòi hỏi tác phẩm hài kịch phải chứa thông điệp sâu sắc, có ý nghĩa xã hội cao với tiếng cười và tiếng khóc trong sự liên thông thẩm mỹ sâu sắc: Khóc lên tiếng cười và cười ra nước mắt.

Tôi cho rằng trên sân khấu Hà Nội sau Tết Đinh Dậu, có một chùm vở diễn đã đạt đến chuẩn thẩm mỹ tốt đẹp này. Đó là nhạc kịch “Mộng ước không xa vời”, trong chùm ba nhạc kịch của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, diễn ở Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền. Vở hài kịch “Quẫn” của đạo diễn Trần Lực diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm và vở “Lão hà tiện” của Molière do Tuấn Hải đạo diễn, diễn ở số 1 Tràng Tiền. Đó là những tiếng cười nghệ thuật sâu sắc. Chỉ tiếc hai vở của Phi Anh và Trần Lực đã hết hợp đồng về địa điểm diễn và họ đang có nhu cầu mang vở diễn vô Nam.

Theo tôi, chùm vở này đã lấy lại được tiếng cười tử tế của hài kịch trên sân khấu biểu diễn hằng đêm ở thủ đô. Và vì thế, lấy lại được khán giả tử tế. Không có khán giả tử tế thì sân khấu tử tế biết diễn cho ai và làm sao tử tế? Muốn có hài tử tế trên sóng truyền hình cũng cần có khán giả truyền hình tử tế...

Trẻ con cần tránh xa hài nhảm

Nhiều chương trình truyền hình dành cho trẻ em hiện nay - trẻ em là nhân vật chính lên sóng, cũng là khán giả xem màn ảnh nhỏ - ngoài sự biểu diễn tài năng trong trẻo và ngây thơ, các bé lại được các giám khảo người lớn phối hợp trình diễn thiếu hài hòa với con trẻ, với quá nhiều nhận xét tâng bốc lên tận trời, đã gây phản cảm và lo ngại cho các bậc phụ huynh, ngay cả khi họ không có con em tham gia chương trình này. Tại sao? Bởi phần lớn trẻ em diễn trong các “game show nhí” này đều được trang điểm, trang phục, nói năng, cử chỉ sân khấu… cứ như người lớn. Thậm chí, các em còn ẹo qua ẹo lại, lắc mông, lắc vai, phô lộ đường cong (chưa kịp nảy nở) của thân thể trẻ em, rồi hở rốn, hở đùi, hở ngực… y như người lớn thu nhỏ.

Thật kinh khủng, nhất là trong hiện tình trẻ em đã và đang bị người lớn xâm hại đến mức báo động như hiện nay thì việc phô diễn thân thể trên truyền hình hằng đêm của trẻ em nhằm mục đích gì, nếu không phải là lợi nhuận? Việc này đã thực sự trở nên lợi bất cập hại về giáo dục. Tại sao hình ảnh trẻ em lại bị truyền hình xuyên tạc, làm cho méo mó, hài hước, rẻ tiền và nhảm nhí đến thế?

Nói cho ngay, những chương trình lấy trẻ em, đưa trẻ em làm nhân vật lên sóng truyền hình kiểu này, tôi chỉ thấy rõ sự nguy hại và sự trục lợi đến từ phía những nhà đài, nhà tổ chức sản xuất chương trình truyền hình, nhất là khi các ngôi sao giải trí ngồi trong ban giám khảo đã không tiếc những lời có cánh, đã ban khen trẻ em những mỹ từ hào nhoáng nhất khiến trẻ em phổng mũi sung sướng vì được lên tận mây xanh! Nào là “thần tượng”, “thần đồng”, “của hiếm” chưa bao giờ thấy, nào là “tài năng có một không hai”, “tài năng khủng”, “trên cả tài năng”… Trẻ con nào cầm lòng được trước những lời có cánh như thế của người lớn?

Cho nên, việc “cấm sóng” Trấn Thành trong một chương trình dành cho thiếu nhi với lý do “không thích hợp” với chương trình và với cả thời điểm xuất hiện nữa của nhà đài Vĩnh Long là một quyết định hợp lý.

TS Nguyễn Thị Minh Thái

Theo Người Lao Động