Đắk Nông:

Hai anh em rủ nhau “giữ hồn” văn hóa Mạ

(Dân trí) - Đã bước sang độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng hai anh em nghệ nhân K’Tiêng và K’Tang vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc. Hàng ngày, bên cạnh việc đi rẫy, hai nghệ nhân già vẫn dành thời gian để luyện tập những bài chiêng cổ, góp sức mình gìn giữ văn hóa Mạ.

Nghệ nhân mù có biệt tài chỉnh âm

Nằm khuất sau những gốc cây cổ thụ bon N’Jiêng (xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa), căn nhà của nghệ nhân K’Tang nhỏ bé, đơn sơ hơn những ngôi nhà khác trong buôn. Nhiều năm nay, căn nhà tình thương này là nơi sinh sống của ông lão 65 tuổi, cũng là nơi ông truyền dạy cồng chiêng cho các con, các cháu. Bị mù ngay lúc mới lọt lòng, ăn uống đi lại khó khăn, nhưng nghệ nhân K’Tang thể hiện tình yêu đối với văn hóa Mạ bằng cách sử dụng thành thạo cồng chiêng, sáo, drơn, m’buốt…và đặc biệt là khả năng chỉnh âm nhạc cụ.

Ngoài khả năng chơi nhạc, nghệ nhân K’Tang có biệt tài chỉnh âm những chiếc chiêng cổ
Ngoài khả năng chơi nhạc, nghệ nhân K’Tang có biệt tài chỉnh âm những chiếc chiêng cổ

Ngồi im lặng trong một góc nhà, đôi tay mò mẫm chiếc chiêng cổ, nghệ nhân K’Tang bảo rằng, ngày còn nhỏ, mỗi khi làng có tổ chức lễ hội, ông rất thích thú và dò dẫm đến để được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng của bà con. Với ông, được nghe và cảm nhận âm thanh của các loại nhạc cụ này là niềm vui duy nhất của một người mù. Mỗi lần âm thanh ấy ngân lên, nó giúp ông quên đi những đau buồn của cuộc sống hiện tại và mang lại tinh thần lạc quan, yêu đời hơn.

Đối với người sáng mắt, việc đánh cồng chiêng và sử dụng các loại nhạc cụ vốn đã khó, với người khiếm thị như ông thì lại càng khó khăn hơn. Biết vậy, nên ông luôn lắng nghe, cảm nhận âm thanh của từng nhạc cụ và luôn ghi nhớ những gì được học rồi về tự mày mò tập luyện. Chỗ nào không hiểu hoặc đánh chưa hay, khi có cơ hội ông đều hỏi cho bằng được. Trải qua thời gian, hiện ông không chỉ đánh thành thạo cồng chiêng mà còn có thể sử dụng một số loại nhạc cụ khác như sáo, drơn, m’boắt, mló… thậm chí, một số bài chiêng khó như Ching ngăn, Pich tơ trơ, Pep kon jun… cũng được ông diễn tấu một cách nhuần nhuyễn.

Căn nhà nhỏ là nơi ông lão 65 tuổi sinh sống và truyền dạy cho lớp trẻ
Căn nhà nhỏ là nơi ông lão 65 tuổi sinh sống và truyền dạy cho lớp trẻ

Đặc biệt, với đôi tai “thiên bẩm”, mỗi khi nghe tiếng chiêng vang lên là ông đã biết đâu là bộ chiêng có âm thanh chuẩn, đâu là bộ chiêng bị lạc âm, tịt âm… Ông lão phân tích: “Mỗi loại nhạc cụ đều có cấu tạo, cách sử dụng, âm thanh khác nhau, những chiếc chiêng bị méo mó sẽ không cho âm thanh chuẩn. Khi đánh chiêng, người đánh phải kê 3 ngón tay ở mặt trong, dùng tay còn lại đánh mạnh lên mặt trước mới có âm thanh trầm, bổng. Để có thể sử dụng thành thạo, “thổi hồn” cho nó thì ngoài năng khiếu, người chơi cần có sự kiên nhẫn, chịu khó, có như thế, nhạc mới hay, mới lôi cuốn người nghe”.

Người nghệ nhân già này chia sẻ, văn hóa truyền thống của người Mạ rất phong phú, tuy đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao tâm tư, tình cảm của con người. “Chính vì vậy mỗi khi tiếng cồng chiêng hay bất cứ loại nhạc cụ nào ngân lên, tâm hồn tôi cảm thấy rạo rực và trẻ trung hơn nhiều. Mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng tôi cảm nhận được tất cả âm thanh cuộc sống qua từng nốt nhạc”.

Dạy cồng chiêng cho cả buôn làng

Giống như người em trai K’Tang, già làng K’Tiêng là một trong số những nghệ nhân hiếm hoi sử dụng thành tạo tất cả các nhạc cụ của đồng bào Mạ và có khả năng truyền dạy những loại nhạc cụ này.

Mùa xuân năm nay, tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ hội xuân Liêng Nung nên trong lòng ông lão phấn khởi háo hức khi được tham gia vào đội cồng chiêng của xã. Gặp ông cụ sau lễ Jun Jông (lễ gắn kết tình thân), nghệ nhân K’Tiêng vui vẻ nói: “Văn hóa của người Mạ đặc sắc lắm, nếu bị thất truyền thì là một tổn thất lớn. Chúng tôi là thế hệ đi trước, may mắn được thừa hưởng và hiểu các giá trị văn hóa dân tộc, được chính quyền mời đến đây biểu diễn lại. Hai năm mới có một dịp thế này, nên 6 người trong đội cồng chiêng phải tập luyện cả tháng trước để cho thật thành thục, không bị quên nhịp”.


Giống như em trai, nghệ nhân K’Tiêng (thứ 2 từ trái qua) cũng nặng lòng với văn hóa Mạ

Giống như em trai, nghệ nhân K’Tiêng (thứ 2 từ trái qua) cũng nặng lòng với văn hóa Mạ

Là người dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình, rồi nỗ lực truyền dạy đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ trong bon nên nhiều năm nay già làng K’Tiêng còn được Trường DTNT N’Trang Lơng (TX. Gia Nghĩa) mời truyền dạy đánh cồng chiêng cho giáo viên, học sinh của trường.

Tuy nhiên, đi nhiều, biểu diễn nhiều, dạy học cho nhiều thế hệ nhưng trong lòng ông lão không lúc nào nguôi lo lắng: “Mình già rồi, cũng không còn sức để đi dạy nhiều nên mỗi lớp chỉ kéo dài hơn 1 tháng nhưng mình phải cố gắng truyền dạy để bọn trẻ không quên văn hóa Mạ. Song bọn trẻ bây giờ ít đứa biết đánh chiêng lắm, đến lớp được mấy ngày là bỏ hết rồi”.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của già làng K’Tiêng trong việc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức, ông đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); đạt giải khuyến khích Liên hoan dân ca Việt Nam tại TP. Đà Nẵng năm 2009. Năm 2015, cả hai anh em K’Tiêng và K’Tang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phong tặng danh hiện Nghệ nhân ưu tú.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Gia Nghĩa cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Đắk Nia chỉ còn một số nghệ nhân có hiểu biết về vốn văn hóa dân tộc. Là địa phương đông người Mạ sinh sống, là cái nôi văn hóa đồng bào Mạ nên tỉnh đang có đề án kết hợp hoạt động văn hóa cồng chiêng với hoạt động du lịch để bảo vệ, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của đồng bào bản địa. Trước mắt địa phương sẽ hỗ trợ mỗi nghệ nhân từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng cho đến khi đề án phát huy hiệu quả.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm