Hà Tĩnh: Lũy đá cổ Kỳ Anh nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia
(Dân trí) - Ngày 15/7 vừa qua, người dân và chính quyền xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia lũy đá cổ Kỳ Anh.
Hệ thống Lũy đá cổ Kỳ Anh đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ phát hiện vào năm 1993 tại đỉnh Đèo Bụt thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Năm 2012, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh mở cuộc điều tra, thám sát và khai quật nghiên cứu toàn diện hệ thống thành luỹ cổ Kỳ Anh.
Hệ thống Lũy đá cổ Kỳ Anh được ghép bằng những phiến đá tự nhiên màu xám đen, nằm theo trục từ đông sang tây có chiều dài hơn 1km, chiều rộng 5-7 mét, độ cao trung bình 3- 4 mét và cách 50 mét lại được bố trí một trạm gác gồm có hỏa hiệu, ụ súng và nơi sinh hoạt của binh lính.
Thành lũy đá cổ ở Kỳ Anh là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ Tây sang Đông với độ dài khoảng trên 30 km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới.
Lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn, tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ phương), kéo dài lên làng Xuân Quan, Xuân Sơn, tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc). Lũy cao hơn 3m, phía trên lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất khoảng 2 m và hẹp nhất là 1,2 m.
Dọc theo chiều dài của lũy, cứ cách khoảng 3-4 m lại được trổ một lỗ hỏa hiệu kiểu dạng hình phễu, mặt trước to, mặt sau nhỏ, có thể vừa để thoát nước, vừa quan sát đánh trả kẻ địch công phá thành.
Đây là một hệ thống công trình thành lũy cổ bằng đá rất độc đáo, được xây dựng với kỹ thuật kiến trúc bậc cao, có giá trị văn hóa, lịch sử và có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, năm 2014, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng Lũy đá cổ Kỳ Anh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia nhằm bảo tồn giá trị kiến trúc thành luỹ cổ phục vụ cho công tác nghiên cứu và du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tùng Long