Hà Nội trong mắt một người Hà Nội

Tô Sa

(Dân trí) - Những con người Hà Nội đích thực, gắn bó và yêu thương Hà Nội đã không khỏi trăn trở với một tình cảm bâng khuâng khó tả, niềm tự hào xen lẫn nỗi tủi hờn.

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông giới thiệu đến độc giả cuốn sách Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ. 

Cuốn sách tập hợp những bài viết, thông tin nghiên cứu và ý tưởng trải nghiệm của tác giả về đô thành Thăng Long - Hà Nội. Nguyễn Thừa Hỷ đã phác thảo ra một lược sử đô thị và những vấn đề cùng suy ngẫm, thảo luận.

Những cơn biến động chính trị - xã hội to lớn của cách mạng và chiến tranh đã xáo trộn mọi cơ cấu thiết chế về vật chất và tinh thần. Một Thủ đô Hà Nội đã "thoát xác" trong ba thập niên của phong trào đổi mới.

Hà Nội trong mắt một người Hà Nội - 1

Cuốn sách "Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội" của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ (Ảnh: NXB cung cấp).

Khó đánh giá thấu đáo ý nghĩa của sự thay đổi toàn diện này, cả về quy hoạch, diện mạo đô thị lẫn đời sống cư dân. Chỉ có thể ví sự thay đổi của Hà Nội trước và sau đổi mới cũng mang tính quyết định giống như từ truyền thống đến cận đại đã xảy ra cách đây trên một thế kỷ.

Những con người Hà Nội đích thực, gắn bó và yêu thương Hà Nội, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về những quãng đời chìm nổi của thành phố quê hương mình, không khỏi trăn trở với một tình cảm bâng khuâng khó tả, niềm tự hào xen lẫn nỗi tủi hờn.

Đó là niềm tự hào về truyền thống lâu đời của lòng yêu nước thương nhà, một tinh thần lao động cần cù khéo léo, một nếp sống hào hoa thanh lịch, trọng chữ tín của những con người Thăng Long - Hà Nội.

Đồng thời, tác giả cũng nêu lên nỗi băn khoăn về những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực trong đời sống của "người Kẻ Chợ": thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động, cam chịu phục tùng với những lề thói cố hữu, bạo lực mất nhân tính.

Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937 ở Hà Nội, tốt nghiệp trung học phổ thông ở một trong ba trường cấp ba danh giá nhất Hà Nội bấy giờ.

Ông trở thành sinh viên Khóa I của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng lớp với những tên tuổi nổi danh của ngành Sử sau này, như GS.NGND. Phan Đại Doãn, GS.NGND. Vũ Dương Ninh, PGS.NGND. Lê Mậu Hãn, PGS.NGƯT. Phạm Thị Tâm.

Các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo của Nguyễn Thừa Hỷ gồm: Hướng dẫn dạy giỏi môn Lịch sử cấp 3 phổ thông trung học (viết chung, năm 1996); Ấn Độ qua các thời đại (năm 1986); Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ (năm 1987); Những trang sử Lưỡng Hà - Iraq (năm 1988); Hướng dẫn cải cách giáo dục môn Lịch sử phổ thông trung học (viết chung, năm 1990); Lịch sử lớp 11 (viết chung, năm 1990); Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (năm 1993);...