Hà Nội thu nhỏ trong không gian 3D

(Dân trí) - Triển lãm với 6 mô hình sắp đặt giấy cùng với 20 chiếc hộp gỗ không gian chứa đựng những nét đặc trưng của Hà Nội với những phố cổ chật chội, những gian hàng khắp các vỉa hè, xe cộ đi lại tấp nập, cả những quần áo váy vóc được phơi phóng…

Nghệ sĩ  Vũ Kim Thư vừa cho ra mắt triển lãm mới của mình mang tên Sự thu nhỏ của không gian tại sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. 6 mô hình sắp đặt giấy cùng với 20 chiếc hộp gỗ không gian chứa đựng những nét đặc trưng của Hà Nội với những phố cổ chật chội, những gian hàng khắp các vỉa hè, xe cộ đi lại tấp nập, cả những quần áo váy vóc được phơi phóng… Tất cả đều được đôi bàn tay tài hoa của chị vẽ và sắp xếp một cách “lộn xộn có trật tự”.

Sau khi tham gia trại sáng tác tại Nhật Bản hồi tháng 8/2012, chị được học thêm về loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản. Cùng với sự quan sát của một người nghệ sĩ, chị đã bắt tay thử nghiệm những tác phẩm mới của mình dựa trên nguyên liệu chính là giấy washi truyền thống Nhật Bản và giấy xuyến chỉ của Việt Nam.

Hà Nội thu nhỏ trong không gian 3D

Giấy washi là một loại giấy được làm từ vỏ của một trong ba loại cây kozo (cây dâu tằm), cây bụi Mitsumata và gampi với nhiều đặc tính cơ bản: vừa mềm mại nhưng cũng lại cứng cáp, sờ vào ấm hơn giấy bột, khả năng thấm màu tốt, chịu được sự vò, xé và nhăn nhúm tốt (có tính chất như vải vóc) và rất nhẹ. Tính đến năm 2008 ở Nhật chỉ còn hơn 300 gia đình còn tiếp tục sản xuất loại giấy này.

Giấy xuyến chỉ được dùng chủ yếu trong thư pháp, là một loại giấy bắt nguồn từ Trung Quốc, tương tự như giấy dó. Đặc điểm chung của hai loại giấy này là bề ngoài mỏng manh và trong, có thể nhìn xuyên thấu.

Quá trình thực hiện những tác phẩm này của Vũ Kim Thư theo cô cho biết khá là gian nan không chỉ bởi lần đầu tiên thực hiện trên chất liệu giấy mềm khó định hình mà còn bởi cả ý tưởng mang ánh sáng vào trong những tác phẩm của mình. Vũ Kim Thư tại triển lãm lần này của mình cũng lần đầu tiên sử dụng đèn điện để tạo hiệu ứng cho mỗi tác phẩm, với người “không biết gì về điện” như cô thì đây cũng là một vấn đề tương đối khó, mất thời gian. Những tai nạn nho nhỏ trong quá trình thực hiện tác phẩm đôi khi cũng làm cô phải bắt tay làm lại một tác phẩm khác.

Vũ Kim Thư chia sẻ, có những người họa sĩ có những xưởng vẽ lớn, họ vẽ những bức tranh lớn, còn cô chỉ có một xưởng vẽ nho nhỏ, đủ để cô làm việc nên có thể những tác phẩm của cô cũng chỉ nhỏ xinh vậy thôi. Những mẩu giấy bé xíu được vẽ lên đó vô số hình thù gợi nhắc đến Hà Nội, sắp xếp lộn xộn trong một trật tự nhất định, được ngăn bởi những tấm mica trong veo và gói gọn trong những chiếc hộp gỗ mỗi cạnh chỉ khoảng 15cm.

Hà Nội thu nhỏ trong không gian 3D

Người đến xem triển lãm ai cũng háo hức ghé mắt vào trong những chiếc hộp nhỏ để chiêm ngưỡng tác phẩm. Nhờ chất liệu giấy trong mà ánh sáng có thể lọt qua, làm tăng hiệu ứng cho tác phẩm rất nhiều. Ngay cả những tác phẩm mô hình giấy cũng cho thấy sự tỉ mỉ, chăm chút của Vũ Kim Thư đối với từng đường nét tạo hình và nét vẽ đơn giản nhưng không kém phần tinh tế.

Vũ Kim Thư muốn thể hiện sự đối lập của giữa phong cảnh thiên nhiên yên bình của núi đồi, sông nước ở làng quê và sự nhộn nhịp, hỗn độn của Hà Nội với xe cộ, con người và sự chuyển động không ngừng. Cũng giống như triển lãm Rangoli và sự phân mảnh của không gian hồi năm 2010 của cô, triển lãm lần này vẫn trung thành với sự giản dị và tinh tế, tìm tòi những thể nghiệm sáng tạo mới mẻ.

Triển lãm kéo dài đến ngày 18/3. 

Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên
Bình Yên

 
 
Bình Yên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm