Hà Nội: Tết Trung Thu này, xem gì, đi chơi đâu?

(Dân trí) - Hà Nội đang rộn ràng các hoạt động nghệ thuật, sân chơi hướng tới Tết Trung thu- văn hóa truyền thống. Nhiều địa điểm vui chơi trong dịp Tết Trung thu như Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng dân tộc học cho các em lựa chọn…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra chương trình “Thu vọng nguyệt” (từ ngày 29-9 đến 1-10) với 3 đêm nghệ thuật: đêm nghệ thuật truyền thống (29-9), đêm nhạc trẻ (30-9) và đêm nhạc thiếu nhi (1-10). Trong chương trình, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây... cùng những hoạt động văn hóa dân gian tương tác với các nghệ nhân như: làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị...

Không gian Văn Miếu- Quốc Tử Giám treo đèn lộng lẫy.
Không gian Văn Miếu- Quốc Tử Giám treo đèn lộng lẫy.

Hoàng thành Thăng Long (từ ngày 28-9 đến 4-10) có các hoạt động: triển lãm ảnh về Tết Trung thu trong bộ tranh khắc của Henri Oger; trưng bày đồ chơi Trung thu cổ được phục chế lại thông qua tư liệu ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Al Kant; các trò chơi dân gian được tổ chức ngoài trời như: đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống và nhảy bao bố...

Trẻ em được trải nghiệm làm nhiều món đồ chơi dân gian (Ảnh: Hòa Nguyễn).
Trẻ em được trải nghiệm làm nhiều món đồ chơi dân gian (Ảnh: Hòa Nguyễn).

Ngoài ra, Ban tổ chức bố trí không gian để các nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, Đỗ Văn Kỳ, Đỗ Thị Xuân, Hoàng Bá Nhất, Lê Thị Hà cùng gần 200 tình nguyện viên tương tác với người tham gia bằng những hoạt động làm chong chóng, nặn tò he, đèn kéo quân... Sự tham gia của các gia đình nghệ nhân có tiếng của Hà Nội cũng góp phần làm cho chương trình thêm phần hấp dẫn.

BTC cho biết, điểm nhấn của hoạt động này là chương trình Đêm Rằm phá cỗ diễn ra vào 20h ngày 4/10.

Chương trình Trung thu “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp” tại Bảo tàng dân tộc học: Tại đây, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể tận hưởng không khí rước đèn tràn ngập tiếng cười. Để không khí Trung thu thêm nhộn nhịp, bạn có thể đến với chương trình Trung thu 2017: Sắc màu văn hóa Đồng Tháp tại Bảo tàng dân tộc học trong thời gian từ 30/9 đến 01/10.

Điểm nhấn của chương trình Trung thu 2017 là giới thiệu đến khách tham quan những nét văn hóa của con người vùng sông nước Tháp Mười thông qua hoạt động trình diễn Hò Đồng Tháp, dệt choàng Hồng Ngự và hướng dẫn làm đèn Trung thu từ lon sữa bò, tết lá dừa.

Đặc biệt, du khách có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực cùng các sản vật của vùng đất “sen hồng” như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng… Bên cạnh đó, Bảo tàng vẫn duy trì tổ chức các hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống như: múa lân sư, hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả, làm đồ chơi và chơi các trò chơi dân gian. Đến đây, bạn có thể dạo quanh những quầy hàng đồ truyền thống, đèn lồng, bánh Trung thu và tham gia những trò chơi dân gian hấp dẫn.

Lễ hội Trung thu phố cổ diễn ra từ nay đến hết ngày 4/10 với khu vực trung tâm là chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân - Hàng Giấy và không gian đi bộ mở rộng.

Hoạt động vui Tết Trung thu trên phố cổ cũng rộn ràng (Ảnh minh họa).
Hoạt động vui Tết Trung thu trên phố cổ cũng rộn ràng (Ảnh minh họa).

Tại ngôi nhà cổ di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, Trung tâm Di sản Phố cổ Hà Nội, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội... cũng diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi cổ truyền như: trưng bày giới thiệu đồ chơi Trung thu truyền thống (con giống bột, các loại đèn Trung thu, trống Đọi Tam…); hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy, tàu thủy…

Nguyễn Hằng