"Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu" - Những ngày kháng chiến "kỳ ảo"

Tô Sa

(Dân trí) - Trong "Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu", câu chuyện hiện thực và huyền ảo mở rộng dần ra, tái dựng không khí ở Hà Nội những ngày tháng chống cuộc tấn công từ trên không của các kiểu pháo đài bay.

Nhà văn Hồ Anh Thái vừa có cuộc tái xuất văn đàn bằng tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (Nhà xuất bản Trẻ).

Một lần nữa, văn chương của Hồ Anh Thái đã xóa nhòa những ranh giới về không gian, thời gian, cùng những lằn ranh cụ thể khác để từ đó soi chiếu và trình hiện trước độc giả một hiện thực lịch sử đa chiều, biến động nhưng cũng đầy trình tự.

Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu viết về Hà Nội thời chiến, ám ảnh "những năm bom Mỹ trút trên mái nhà", nhưng khước từ lối trần hiện một thứ "hiện thực giản đơn".

Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu - Những ngày kháng chiến kỳ ảo - 1

Cuốn tiểu thuyết dày 216 trang, của nhà văn Hồ Anh Thái, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (Ảnh: NXB cung cấp).

Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về nhiều cuộc đời trong một cuộc đời chung, một "hoàn cảnh lớn", song tác giả không ngần ngại lồng vào đó để diễn tả những "chuyện đời có thật" mang nỗi niềm riêng khác.

Các tuyến nhân vật - hay nói cách khác các "số phận" - hiện lên mạch lạch, sáng rõ, không hề mang vẻ chìm khuất trong cái "đặc biệt" cố hữu của hoàn cảnh lịch sử.

Họ đặc biệt theo cách của mình: sống trọn vẹn với vẻ đẹp tâm hồn mình, với những đam mê hay những trăn trở của chính mình.

Đằng sau "mưa ngâu"…

… Là một chiến sĩ trẻ có khả năng nhìn xuyên qua những bức tường. Khả năng này của anh được khai thác nhằm phát hiện những hoạt động chống phá ngầm khi máy bay địch đang dội bom xuống Thủ đô.

… Là một phi công chiến đấu trên bầu trời có một tình yêu giữ kín khi ở trên mặt đất.

… Là một nữ nghệ sĩ chăm sóc 4 con hổ xiếc xổng chuồng chạy ra đường phố sau trận bom.

Câu chuyện hiện thực và huyền ảo mở rộng dần ra, tái dựng không khí ở Hà Nội những ngày tháng chống cuộc tấn công từ trên không của các kiểu pháo đài bay. Những con người bình thường, giản dị và kỳ lạ, tất thảy tạo nên gương mặt Thủ đô trong những năm tháng bi hùng và trong những khoảnh khắc lãng mạn giữa bom đạn khốc liệt.

Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu - Những ngày kháng chiến kỳ ảo - 2

Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu viết về Hà Nội thời chiến dưới ngòi bút kỳ ảo (Ảnh: NXB cung cấp).

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Phan - chiến sĩ trẻ có khả năng nhìn xuyên qua những bức tường, nhưng sau bị điều xuống làm việc dưới một căn hầm chuyên lập hồ sơ tử sĩ. 

"Tháng ngày cứ thế trôi. Phan như xa cách dần với tổ khen thưởng vốn cùng một bộ phận. Xa dần với những đơn vị ở trên mặt đất hơn anh cả một trời nắng một trời gió và lồng lộng khí trời. Dưới này là những sĩ quan và chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận. Họ xếp một hàng dài trong tầng hầm của Phan, chờ đến lượt trình diện và được anh vào sổ, chờ anh viết giấy báo tử đưa lên cho chỉ huy ký tên rồi đóng dấu.

Hàng người cứ thế lặng lẽ nhích lên từng bước. Tầng hầm ngột ngạt. Tôi, thượng úy tiểu đoàn phó. Tôi, trung sĩ tiểu đội trưởng. Tôi, chiến sĩ thông tin. Tôi, chiến sĩ cần vụ của trung đoàn trưởng.

Hầu như ai trong họ cũng nằn nì, đồng chí thông cảm, đồng chí gửi giấy báo sớm cho mẹ tôi cho vợ tôi cho ông tôi. Gia đình tôi vẫn tưởng tôi còn sống và đang chiến đấu. Gia đình tôi nghe tin đồn tôi mất tích mấy năm rồi, lẩn lút ở đâu đấy, ông thầy bói trong làng còn bảo tôi đã sang Mỹ rồi, sang Mỹ mà suy diễn ra thì chỉ có chiêu hồi theo địch, oan tôi lắm, đồng chí gửi giấy báo ngay giúp tôi", trích tác phẩm. 

Tiếp nhận những thông tin khô khan về cái chết của các liệt sĩ, như có linh giác mách bảo, Phan nghe được tiếng vang của mỗi dòng tin và hình dung ra được mỗi cảnh ngộ đã trải của từng chiến sĩ đã ngã xuống. Phan chính là người liên kết, dẫn dắt các nhân vật, làm nên một tác phẩm hoàn hảo. 

"Có lẽ ngay từ ngày ấy, tác giả đã ý thức rằng tác phẩm văn học muốn hòa nhập được với dòng văn học chảy ào ạt ngoài kia của thế giới thì đừng có quá lệ thuộc vào hiện thực giản đơn", Nhà văn Lê Minh Khuê nói.

"Yếu tố kỳ ảo phủ lên văn chương Hồ Anh Thái một bầu không khí siêu thực, hư ảo, huyền hồ vừa độc đáo vừa quyến rũ", Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Nga cho hay.

Hồ Anh Thái (sinh năm 1960) là một nhà văn đương đại của Việt Nam, được xem như một hiện tượng văn chương của thế hệ văn nhân thời hậu chiến sau năm 1975.

Ông còn là một nhà ngoại giao, là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran (2011-2015) và hiện là Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.

Tác phẩm của Hồ Anh Thái thường mang tính triết luận, bao quát số phận của người Việt và đất nước thời hiện đại. Ông là nhà văn có phát kiến về ngôn ngữ, tạo cho tiếng Việt thêm màu sắc, đa nghĩa và khả năng biểu đạt phong phú hơn. Những tác phẩm tiêu biểu của ông vì vậy cũng khó chuyển dịch sang ngôn ngữ khác.

Sách của ông thường được phát hành với số lượng lớn và đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thụy Điển...

Năm 2000, Hồ Anh Thái được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho đến năm 2010. Ông từng được nhận nhiều giải thưởng văn chương lớn. 

Một số tác phẩm tiêu biểu: Dấu về gió xóa, Trong sương hồng hiện ra, SBC là săn bắt chuột, Tự sự 265 ngày, Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên.