Di sản cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua những trang sách

Tô Sa

(Dân trí) - Bộ sách khắc họa toàn diện cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là trí tuệ và sự sáng tạo trong giải quyết các nhiệm vụ cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cả trong thời kỳ kháng chiến và hòa bình.

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ra mắt bộ sách Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo, do tác giả Hoàng Lại Giang biên soạn.

Bộ sách được thể hiện dưới dạng truyện về nhân vật lịch sử, đã khắc họa tương đối đầy đủ, toàn diện cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt đã làm nổi bật "trí tuệ" và sự "sáng tạo" trong giải quyết các nhiệm vụ cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Bộ sách gồm 3 tập, tương ứng với những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng. 

Di sản cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua những trang sách - 1

Bộ sách Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo, gồm 3 tập, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2022 (Ảnh: NXB cung cấp).

Tập I: Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đến ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam: tái hiện chặng đường đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Tập II: Từ Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đến ngày 30/4/1975: là chặng đường hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tập III: Thực tiễn và sáng tạo: khắc họa chặng đường hoạt động đầy năng động, sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến khi ông thôi nhiệm.

Bộ sách là một sự tri ân đến vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước. Nhân cách, phẩm chất, bản lĩnh và trí tuệ của cố Thủ tướng sẽ mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, nên khi tuổi đời còn rất trẻ, ông đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng.

Năm 1938, ông tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế, làm liên lạc, rải truyền đơn tuyên truyền. Tháng 11/1939, đồng chí Võ Văn Kiệt được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương khi tròn 17 tuổi, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ xã Trung Hiệp, bổ sung Quận ủy viên Vũng Liêm.

Trong thời kỳ cách mạng, ông Võ Văn Kiệt được phân công giữ nhiều cương vị như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Phó Bí thư liên tỉnh Hậu Giang, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Phó Bí thư rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Lực lượng vũ trang Quân khu 9, Thường trực Trung ương Cục miền Nam và bí danh Sáu Dân cũng có từ thời điểm này.

Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục giữ các cương vị như Chủ tịch UBND TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần V, VI, VII, VIII, ông liên tục được bầu vào BCH Trung ương Đảng; được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị và lần lượt giữ các trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn BCH TƯ Đảng.

Tác giả Hoàng Lại Giang tên khai sinh là Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1938 tại Bình Định.

Năm 1955, Hoàng Lại Giang tập kết ra Bắc, học ở trường Học sinh Miền Nam. Năm 1960, ông vào học Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1965, ông ra trường, về công tác tại Nhà xuất bản Văn Học. Năm 1977, ông vào TP.HCM làm biên tập - phụ trách chi nhánh Nhà xuất bản Văn học phía Nam.

Từ năm 1998, ông nghỉ hưu.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Ký ức tình yêu (1988), Tình yêu và tội lỗi (1988), Nỗi bất hạnh tình yêu (1989).