Hà Nội chi gần 13 tỷ tu bổ 10 nhà cổ Đường Lâm
(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với tổng ngân sách dự kiến là 12,939 tỷ đồng.
Việc đầu tư nhằm bảo tồn 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng thuộc Làng cổ xã Đường Lâm. Việc tôn tạo, tu bổ đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Tổng mức đầu tư dự kiến 12,939 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa là 800 triệu đồng/ngôi nhà. Kinh phí còn lại (trên 800 triệu đồng/nhà - nếu có) do ngân sách thị xã, ngân sách xã và các hộ dân có nhà cổ chịu trách nhiệm cân đối bố trí. Dự án được thực hiện từ năm 2016 - 2018.
Trước mắt, UBND TP. Hà Nội giao UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư dự án thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng... Đồng thời thẩm tra, thẩm định và trình phê duyệt dự án theo quy định của Luật di sản văn hóa, Luật xây dựng, các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện có liên quan.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày di tích làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” hồi tháng 11 vừa qua, UBND thị xã Sơn Tây đã khẳng định, năm 2016, địa phương sẽ phấn đấu để làng cổ Đường Lâm trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt, tiến tới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trong 10 năm qua, từ khi di tích làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, thị xã Sơn Tây đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: quản lý cấp phép xây dựng, thiết kế nhà mẫu cho người dân áp dụng trong xây dựng; bảo tồn, tu bổ di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, bảo tồn 12 điếm và 10 giếng cổ, 10 nhà cổ, cảnh quan khu vực cổng làng Mông Phụ đến đình Mông Phụ…
Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 4/2013, 78 người dân thuộc 60 hộ ở làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt ký vào lá đơn xin trả lại danh hiệu “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia làng cổ Đường Lâm” gửi UBND Thị xã Sơn Tây, UBND TP. Hà Nội và Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) do nhà cửa xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt nhưng lại không được tự ý xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa. Trong khi đó, hàng năm, dân số vẫn liên tục tăng lên.
Hà Tùng Long