Google vinh danh nghệ thuật cải lương nhân ngày Sân khấu Việt Nam

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Nhân ngày Sân khấu Việt Nam, vào 0h ngày 28/9 (nhằm 12/8 âm lịch), Google đã đổi biểu tượng trang chủ Google tiếng Việt là hình ảnh trình diễn của sân khấu cải lương.

Việc Google đổi biểu tượng trên trang chủ (Google Doodle) để tôn vinh nghệ thuật cải lương đã là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi dự án quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật, danh nhân, thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam bằng Google Doodle.

Google vinh danh nghệ thuật cải lương nhân ngày Sân khấu Việt Nam - 1

Google đổi biểu tượng trên trang chủ đề tôn vinh nghệ thuật cải lương.

Thông qua hoạt động này, Google mong muốn mang nghệ thuật cải lương đến với nhiều khán giả trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, Google cũng mong muốn khơi dậy niềm tự hào, động lực giúp các nghệ sĩ cải lương cảm thấy yêu nghề hơn trong giai đoạn các hoạt động sân khấu đang gặp nhiều khó khăn.

Trong phần giới thiệu, Google nhấn mạnh: "Hơn một thế kỷ từ khi ra đời, cải lương ngày nay vẫn được yêu thích như một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và là một liên kết quan trọng đối với lịch sử của đất nước".

Ngoài thay đổi biểu tượng trang chủ, Google còn hợp tác với Đài truyền hình TP.HCM đưa lên nền tảng YouTube trọn vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh” để phục vụ khán giả.

Để ý nghĩa của chương trình được phổ biến rộng rãi đến công chúng, Google mời những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng cùng đăng tải những thông tin lan tỏa, cổ vũ cho cải lương, bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc, trên trang cá nhân, kênh YouTube riêng của họ.

Google vinh danh nghệ thuật cải lương nhân ngày Sân khấu Việt Nam - 2

NSND Bạch Tuyết cùng các nghệ sĩ cải lương miền Nam và miền Bắc.

Chiến dịch tôn vinh cải lương được hưởng ứng bởi nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Bạch Tuyết, Ngọc Huyền, Quế Trân, Phương Mỹ Chi, Diệu Nhi, Chi Pu… cùng các đơn vị khác. Tại đây, họ cùng nhau chia sẻ công khai kỷ niệm, tình cảm với cải lương nhằm lan tỏa và quảng bá bộ môn nghệ thuật truyền thống này.